Việt Trì là vùng đất nằm ở vị trí chuyển tiếp từ địa hình đồi núi sang đại hình đồng bằng, đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng. Từ trung tâm Thành phố nhìn về phía Tây Nam là núi Ba Vì, phía Đông Bắc là dãy núi Tam Đảo. Ở phía Tây- Tây Bắc Thành phố là núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ các vua Hùng.
Được xem là đất phát tích, kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam, Việt Trì là thành phố du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, nơi có kinh đô Văn Lang - kinh đô đầu tiên của người Việt, quê hương đất tổ vua Hùng. Nơi đây còn là thành phố công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao. Đây cũng là cửa ngõ vùng Tây Bắc, đầu mối giao thông nối giữa các tỉnh trung du và miền núi phía bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, nằm trên hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh (Trung Quốc).
Thành phố Việt Trì được biết đến là thành phố công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa với các ngành dệt, giấy, hóa chất, sứ... và còn được gọi là thành phố ngã ba sông vì nằm gần nơi hợp lưu của sông Thao, sông Lô và sông Đà thành sông Hồng.
Hiện nay, thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị, hành chính và kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Thọ và trung tâm của liên tỉnh phía bắc. Việt Trì được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư để trở thành một trong những đô thị lớn nhất Việt Nam. Ngày 10/3 âm lịch hàng năm, vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, hàng triệu người dân từ khắp cả nước lại nô nức về núi Nghĩa Lĩnh nằm tại địa phận thôn Cổ Tích - xã Hy Cương - Việt Trì để thăm viếng tổ tiên.
Thành phố Việt Trì ngày càng phát triển, tốc độ tăng giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 của Thành phố đạt bình quân 8,74%/năm, vượt kế hoạch đã đề ra. Trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng tăng 10,05%, các ngành dịch vụ tăng 7,49%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%/năm. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người/năm đạt 105,1 triệu đồng.
Cùng với các chỉ tiêu về kinh tế, phát triển đô thị, văn hóa, xã hội và môi trường tại thành phố Việt Trì cũng được thực hiện mạnh mẽ, đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra. Cụ thể: Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 83%, vượt so với kế hoạch 75% đề ra; các tuyến đường chính được chiếu sáng 100% như kế hoạch. Sự phát triển vượt bậc với các thành tựu kinh tế đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân trong vùng, đảm bảo an sinh, việc làm, giúp xóa đỏi giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 79,1%; giải quyết việc làm cho trung bình 3,87 nghìn lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng số lao động xã hội đạt 73%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,5%, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố giảm xuống còn 0,59%... Về cơ bản, 21/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố Việt Trì đã đạt, vượt, thậm chí vượt xa kế hoạch đã đề ra.
Đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Phú Thọ, Công an thành phố Việt Trì thực hiện có hiệu quả các mặt công tác, đặc biệt là thực hiện kế hoạch “60 ngày đêm cấp thẻ căn cước công dân và định danh điện tử trên địa bàn”, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn các khu vực trọng điểm, đặc biệt là di tích quốc gia đền Hùng vào ngày giỗ tổ hàng năm, thường xuyên kiểm tra các phương tiện giao thông đảm bảo không vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, kiên quyết đầu tranh với các băng ổ nhóm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu cho lãnh đạo Công an các cấp, nắm bắt tình hình nhanh chóng, đạt hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Điển hình như tại địa bàn xã Hùng Lô, 1 xã nằm ở phía bắc thuộc thành phố Việt Trì. Trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, nhất là cao điểm “60 ngày đêm làm thẻ căn cước công dân và định danh điện tử trên địa bàn”, đơn vị Công an xã đã làm tốt công tác điều tra cơ bản đối với công tác cấp CCCD trên địa bàn xã, làm sạch dữ liệu dân cư đối với 100% nhân khẩu trên địa bàn, lên danh sách 100% công dân đủ điều kiện chưa được cấp CCCD để thực hiện việc tuyên truyền, vận động cấp CCCD một cách phù hợp, trong đó tập trung thực hiện việc phân loại đối với từng trường hợp chưa được cấp CCCD theo các nhóm như: Các trường hợp huỷ số; các trường hợp sai, thiếu ngày tháng sinh; các trường hợp giá yếu, bệnh tật; các trường hợp vắng mặt tại địa phương đang ở nước ngoài, chấp hành án; các trường hợp vắng mặt ở địa phương đang ở trong nước... để có các giải pháp, biện pháp thực hiện việc cấp CCCD hiệu quả, phù hợp. Đến 14h00’ ngày 13/5/2023, đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD đôi với 5.017/5.017 trường hợp, đạt 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn xã (Hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD trước thời hạn Công an thành phố giao 10 ngày). Để đạt được kết quả đó, đơn vị đã tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể khu dân cư và cơ quan doanh nghiệp. Làm tốt công tác điều tra cơ bản đối với công tác cấp CCCD và đăng ký tài khoản định danh điện tử. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân với nhiều hình thức đa dạng và phong phú phù hợp với đặc điểm từng địa bàn khu dân cư và từng đối tượng để nhân dân hiểu lợi ích của thẻ CCCD và tài khoản định danh điện tử đem lại, từ đó góp phần nâng cao trình độ nhận thức, tạo sự đồng thuận, tích cực phối hợp với lực lượng Công an trong cấp thẻ CCCD và tài khoản định danh điện tử và đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của CBCS trong đơn vị.
Bên cạnh đó là địa bàn xã Hy Cương thuộc thành phố Việt Trì, một xã gắn liền với di tích lịch sử “đền Hùng” nên vấn đề an ninh trật tự được quan tâm hàng đầu. Từ năm 2020 đến nay, tình hình ANTT địa bàn được giữ vững, tội phạm được kìm chế, không có vụ việc phức tạp về ANTT, không hình thành ổ nhóm đối tượng, không phát sinh khiếu kiện kéo dài. Hy Cương là 1 trong số địa bàn cấp xã hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD cho 100% công dân trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đủ điều kiện, hoàn thành chỉ tiêu cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Thực hiện chuyển đổi giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đăng kí, quản lý cư trú theo luật cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2020 đảm bảo 100% hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến trên cổng Dịch vụ công.
Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở phải đặt trong chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và trong toàn quốc; sử dụng tổng hợp các lực lượng, biện pháp. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và đấu tranh. Để bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là tại những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức tự quản tại địa phương trong bảo vệ an ninh, trật tự.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP, ngày 31-7-1998 của Chính phủ, về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, về phòng chống ma túy, mại dâm; phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; các đề án về phòng, chống tội phạm; các kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm trong trường học, trong công nhân viên chức... Phát hiện, xử lý kịp thời các "điểm nóng" từ cơ sở, không để phát triển thành vụ việc lớn, phức tạp.
Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc
Ba là, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở vững mạnh. Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức. Xây dựng thực hiện các mô hình liên kết bảo vệ an ninh, trật tự thích hợp với từng địa bàn, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao cảnh giác xây dựng lối sống lành mạnh ở cơ sở.
Bốn là, hoàn thiện cơ sở pháp lý để sớm ban hành và triển khai thực hiện Luật Dân quân tự vệ. Xây dựng và phối hợp thực hiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan chuyên trách, nòng cốt (công an cấp cơ sở), dân quân tự vệ, các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Năm là, tăng cường lực lượng chiến đấu cho cơ sở, bố trí cán bộ trực tiếp thực hiện vận động quần chúng và tiến hành các hoạt động nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự.Đối với lực lượng công an cơ sở, trước mắt, trong điều kiện biên chế còn thiếu, cần củng cố, xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát khu vực ở thành phố, thị xã và tổ chức hợp lý các cụm, trạm công an phụ trách xã về an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn để quán xuyến chặt chẽ địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa bàn dân cư.
Về lâu dài, cần có kế hoạch ưu tiên tăng cường, bổ sung đủ biên chế cho lực lượng công an ở cơ sở và bố trí phù hợp với từng loại địa bàn; bảo đảm tính ổn định lâu dài, khi thật cần thiết mới luân chuyển sang địa bàn khác. Chuyên môn hóa lực lượng công an cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự.
Sáu là, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, phân công, phân cấp quản lý công an cấp cơ sở. Bộ Công an triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-BCA, ngày 10-4-2009, của Bộ trưởng Bộ Công an, về xây dựng toàn diện công an cấp huyện đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới; kịp thời triển khai thi hành Pháp lệnh Công an xã theo Quyết định số 367/QĐ-TTg, ngày 20-3-2009, của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, phải khẩn trương củng cố, tăng cường các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo các quy định hiện hành. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt (chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc...) cho lực lượng ở cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa bàn dân cư.
Bảy là, tăng cường các điều kiện làm việc, trang bị phương tiện phù hợp với thực tế chiến đấu ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công an và các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Các đơn vị chủ quản cấp trên và chính quyền cơ sở cần quan tâm bố trí trụ sở làm việc cho công an cơ sở và các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
Tám là, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ công an và các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, đặc biệt là lực lượng trực tiếp công tác chiến đấu ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; nghiên cứu giải quyết chế độ tiền lương hợp lý, các chế độ phụ cấp trực, làm ngoài giờ, tiền đi đường; xem xét hỗ trợ giải quyết phương tiện đi lại cho cán bộ, chiến sĩ công an cơ sở.
Lực lượng Công an tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng; tăng cường huấn luyện, diễn tập trong xử lý điểm nóng, trấn áp tội phạm; bố trí Công an chính quy tại 100% các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; tiến hành sơ kết, tổng kết định kỳ về công tác bảo đảm an ninh, trật tự để rút kinh nghiệm; chủ động nghiên cứu các khía cạnh xã hội về nguyên nhân xuất hiện tội phạm; chủ động phối hợp kịp thời với các địa phương xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, phức tạp về an ninh, trật tự; phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.