Phú Thọ: Câu chuyện 'ông nông dân khùng' giữ nghề làm mì gạo ở ngôi làng cổ
Cập nhật ngày: 01/02/2023 11:44
'Ông nông dân khùng' là biệt danh mà dân làng cổ Hùng Lô đặt cho ông Nguyễn Văn Thắng, chủ hộ kinh doanh cơ sở sản xuất mì gạo Tuyết Lan ở xã Hùng Lô, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, một trong những người sinh ra và lớn lên gắn bó với nghề làm mì gạo truyền thống.

Sở dĩ người ta gọi ông như vậy vì dân làng cổ Hùng Lô đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông mặc sơ mi quần âu, nhà cao cửa rộng, ô tô có đến 2 chiếc, nhưng chiều chiều lại đi quanh các khu phơi mì nhặt nhạnh các sợi mì gạo rơi vương vãi.

“Nhìn thấy 20 - 30.000 đồng tôi không nhặt đâu nhưng nhìn thấy 2 - 3 sợi mì là nhặt ngay vì xót lắm, mình làm ra mà nên không đành lòng nhìn nó rơi vương bẩn dưới đất như vậy. Đấy là cái đam mê cái tâm huyết của người làm nghề”, ông Nguyễn Văn Thắng giải thích với Mekong ASEAN về sở thích lạ lùng của mình, trong lần thăm xưởng mì ngày đầu xuân Quý Mão 2023.

Cách trung tâm TP Việt Trì khoảng 8km, làng cổ Hùng Lô hơn 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô là chiếc nôi của nhiều nghề truyền thống đa dạng tại Phú Thọ, như nghề làm bánh chưng bánh giày, làm đậu phụ và đặc biệt là nghề làm miến, bún và mì sợi từ gạo.

Các cụ trong làng nói vui Hùng Lô là làng đa nghề. Đến nay các nghề truyền thống đó vẫn đang được người dân duy trì và phát triển. Mỗi nghề có một bí quyết riêng do các cụ truyền lại. Riêng nghề làm mì gạo của Hùng Lô đã có những bước phát triển ổn định, mang lại thương hiệu và đứng vững trên thị trường tới nhiều vùng miền của đất nước.

Lớn lên trong gia đình nghèo khó có truyền thống làng nghề Hùng Lô, ông Thắng đã sớm được ông bà, cha mẹ hướng dẫn gắn bó với nghề làm mì gạo từ nhỏ. Hồi tưởng lại những ngày còn nhỏ làm quen với nghề, ông Thắng cho biết, theo tay nối truyền của bố mẹ, ông học và làm nghề từ lúc vài tuổi, cứ đi học về là phụ bố mẹ xay bột, hòa bột, đợi mẻ mì ra lò rồi đi phơi.

Đến năm 1984, ông được bố mẹ cho tách ra làm riêng. Nhưng lúc đó còn thời bao cấp nên cơ sở chỉ có thể làm vừa đủ để gia đình ăn hoặc trao đổi thức ăn với các hộ gia đình xung quanh, chưa được mở rộng phân phối sản phẩm.

Từ năm 1989, cơ sở kinh doanh được mở rộng sản xuất, mua máy móc và bắt đầu phân phối rộng rãi. Năm 2004, làng cổ Hùng Lô được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là thời điểm ông Thắng xin đất ruộng bỏ không để gây dựng xưởng làm mì Tuyết Lan hiện tại.

Để chủ động trong sản xuất cũng như nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, tháng 7/2016, Hợp tác xã mì gạo Hùng Lô được thành lập, đồng thời quyền thương hiệu cho sản phẩm mì, bún sạch của làng cũng được đăng ký. Hiện nay, trên địa bàn xã Hùng Lô có khoảng 27 hộ kinh doanh đang phát triển nghề làm mì gạo này, trong đó có xưởng mì Tuyết Lan của "ông nông dân khùng" Nguyễn Văn Thắng.

Trải qua nhiều năm tháng gắn bó với nghề, cơ sở sản xuất của ông đã lớn mạnh dần. Thời điểm đông nhất cơ sở này có đến gần 20 công nhân, mức lương trung bình 5 triệu/tháng, mỗi ngày chỉ làm khoảng 3 tiếng đồng hồ. Có những lúc cao điểm nhiều đơn hàng, công nhân làm ở cơ sở mì gạo này còn thu nhập lên đến 9 triệu/tháng.

Năm 2020, ông Nguyễn Văn Thắng đã mày mò cho ra những hình thức sản phẩm mới đa dạng bên cạnh loại hình mì gạo truyền thống. Điều này xuất phát từ sự thay đổi của nhu cầu khách hàng sau thời kỳ Covid-19.

Tận dụng lợi thế người dân quanh vùng trồng được rau sạch, có nguồn nguyên liệu đảm bảo yên tâm, chủ hộ kinh doanh cơ sở sản xuất mì gạo Tuyết Lan đã làm hợp đồng với làng rau chứng nhận Vietgap ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao cùng tỉnh.

Sau nhiều lần thử nghiệm, ông Thắng cho ra đời sản phẩm mì gạo rau ngót, mì gạo bí ngô, mì gạo củ dền... cải tiến hình thức sản xuất, đầu tư máy móc phơi sấy trong nhà để đảm bảo vệ sinh thay vì phải phơi ngoài đường như trước.

Do đó, các loại mì gạo mới của cơ sở ông Thắng gần đây đã có đa dạng các hương vị khác nhau dễ ăn hơn. Các sản phẩm mới đều được ông mang đi kiểm định ghi nhận hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Đặc biệt, mì được sấy lạnh trực tiếp để tránh bụi bặm và tác động ô nhiễm môi trường, nên có thể nấu ăn ngay thay vì phải trần rửa qua như loại mì truyền thống.

Nối tiếp thành công của mì gạo rau quả, ông Nguyễn Văn Thắng đã cho ra đời mì đông trùng hạ thảo. “Đây là ý tưởng của Phó Chủ tịch UBND TP. Việt Trì trong cuộc họp về sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ. Khi thấy tôi ngồi gần ông chủ cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Nam Dương ở phường Vân Phú, TP Việt Trì, lãnh đạo tỉnh đã gợi ý 2 sản phẩm OCOP 3 sao hãy thử kết hợp với nhau”, ông Thắng cho biết.

Việc cho ra đời 2 loại hình sản phẩm mới đã giúp doanh thu của cơ sở sản xuất mì gạo Tuyết Lan cao hơn so với trước. Nếu trước kia, trung bình cơ sở thu về lợi nhuận 500 triệu/năm thì hiện nay lợi nhuận trong 2 năm đầu đổi mới ghi nhận trung bình gần 700 triệu/năm.

Các sản phẩm của ông Thắng đã được chứng nhận OCOP 3 sao và các chứng nhận an toàn thực phẩm khác. “OCOP là tiêu chuẩn khắt khe về các chất, thành phần trong sản phẩm và cần nhiều thời gian chuẩn bị. Tuy hơi vất cho doanh nghiệp nhưng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng nên tôi cũng thấy xứng đáng”, chủ hộ kinh doanh cơ sở mì gạo ở làng Hùng Lô tâm sự.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, mô hình sản xuất theo hữu cơ, giàu dinh dưỡng là hướng đi mà ông muốn theo đuổi, phù hợp với xu thế nông nghiệp hiện nay. Do đó, để phát triển mô hình rộng hơn nữa, ông Thắng mong muốn được tỉnh hỗ trợ quảng bá để sản phẩm có nhiều người biết đến, tạo thêm nhiều việc làm cho công nhân.

Vì là những sản phẩm mới, nên vị chủ hộ kinh doanh này cũng bày tỏ cơ sở còn khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm khi những loại mì mới ít người biết đến, giá thành lại cao hơn loại truyền thống.

“Tỉnh và xã đã tạo nhiều điều kiện cho các cơ sở làng nghề ở Hùng Lô phát triển nhưng diện tích đất cho các xưởng nghề còn hẹp, chưa đủ thích hợp. Tôi cũng kỳ vọng có thêm các chính sách quảng bá thương hiệu, phân phối sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ để mì gạo truyền thống đến được tay khách hàng nhiều hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Thắng kiến nghị.

“Nhờ có nghề của cha ông để lại mà tôi đã có được cuộc sống ấm no ngay trên vùng đất quê hương mình, không phải chịu cảnh ly hương, xa xứ, vừa đảm bảo sinh kế gia đình vừa tạo điều kiện việc làm cho nhiều người khác. Chính vì lòng biết ơn này nên tôi không cầm lòng được khi thấy các sợi mì rơi vương vãi. Bởi đây chính là hạt gạo thân thương trên quê hương mình.”, ông Nguyễn Văn Thắng ngậm ngùi.

Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của Đất Tổ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, mì gạo Hùng Lô vẫn giữ nguyên được vị ngon vốn có.

Vốn là một nghề không đòi hỏi vốn lớn nên hộ gia đình nào cũng có thể làm được. Mì của mỗi gia đình sẽ có một vị riêng mà ai tinh ý mới cảm nhận được bởi công thức mỗi nhà sẽ khác nhau ít nhiều.

Quy trình sản xuất mì đảm bảo sản xuất sạch ngay từ khi lựa chọn hạt gạo bởi chỉ cần dính tạp chất là mẻ mì sẽ hỏng. Do đó, mì gạo Hùng Lô không sử dụng chất tẩy rửa, chất phụ gia và chất bảo quản, sợi mì được làm bằng gạo đảm bảo trắng mịn.

Bát canh mì gạo không hóa chất, bóng đẹp với thịt gà, mộc nhĩ đã trở thành hương vị không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người dân Phú Thọ từ xa xưa.

 

 
Nguồn Báo Mới