Đền Vân Luông được xây dựng năm 1821, thờ anh linh các Vua Hùng, Tản Viên Sơn Thánh, thờ Tam Vị đại vương là: Cao Sơn Đại Vương, Ất Sơn Đại Vương, Viễn Sơn Đại Vương và hai Hoàng thành là Phúc Long Thần, Hảo Long Thần. Đền Vân Luông nằm trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng. Hàng năm, Đền có 02 lễ hội chính là lễ hội Cướp bông ném chài vào ngày 03 tháng Giêng và lễ hội Đền Vân Luông vào ngày 04/9.
Tục xưa truyền rằng vào đời Vua Hùng thứ 18, nhằm mùng 3 Tết Nguyên đán, con rể Vua Hùng là Tản Viên sang lễ tết vua cha và về thăm quê ngoại ở làng Vân Luông. Vua Hùng lệnh cho Tản Viên và quần thần mở cuộc đi săn khai xuân, săn đuổi thú dữ để bảo vệ mùa màng, đảm bảo cuộc sống yên lành cho nhân dân.
Đến làng Vân Luông, Vua Hùng cùng đoàn săn thấy một đàn lợn rừng xuất hiện, hùng hổ xông thẳng vào đoàn vua tôi. Nhà vua giương cung định bắn nhưng Tản Viên đã ngăn lại và xin phép được trổ tài, nhanh tay xông vào bắt sống con lợn đầu đàn. Số lợn còn lại sợ hãi, chạy tan tác vào rừng. Vua thấy vậy rất hài lòng, khen ngợi Tản Viên và truyền lệnh mổ lợn ăn mừng. Thịt lợn được chia ra 6 phần, 5 phần dùng để khao quân và dân chúng sở tại, phần còn lại gửi Tản Viên mang về biếu mẹ. Khi vua quan dự tiệc xong, những chiếc cần uống rượu hay còn gọi là “đũa bông” được tung ra cho nhân dân đón tay, cướp lấy làm lộc đầu năm. Sau đó dân làng ném đá xua đuổi thú dữ về rừng.Để tưởng nhớ ơn Vua, người dân đã lập đền thờ đúng nơi mổ lợn khao quân và dân làng, đó chính là Đền Vân Luông ngày nay. Cũng từ đó về sau, cứ mùng 3 tháng Giêng hằng năm, dân làng đều tiến hành các nghi thức cúng tế Vua Hùng tại đền và tái hiện cảnh vua tôi săn đuổi thú dữ, cùng nhau quây quần ăn tết, chúc tết đầu xuân. Dân gian gọi đó là lễ hội “Cướp bông, ném chài”.
Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời góp phần duy trì và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, bảo tồn các giá trị văn hóa trên quê hương Đất Tổ, cùng xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.