ĐÌNH, ĐỀN, LĂNG THÔN HƯƠNG LAN
Cập nhật ngày: 16/12/2022 13:33
Đền Thiên Cổ là một điểm trong quần thể Cụm di tích LSVH Đình, Đền, Lăng thôn Hương Lan, Đền Thiên cổ có vị trí tại khu 8 (xóm Thọ cũ) xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tiếp giáp với đường Vũ Thê Lang chạy qua địa bàn xã. Đền thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, Nhị vị Công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa.

ĐỀN THIÊN CỔ

Đền Thiên Cổ tọa lạc trên một quả đồi nhỏ ven đường thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngôi đền nằm ẩn mình dưới hai cây táu cổ thụ, gốc to đến năm sáu người ôm không xuể, ước đoán tuổi đời đã đến nghìn năm. Cho đến nay, qua những chứng tích còn lại, đây là ngôi đền thờ người thầy, tôn vinh sự học cổ nhất ở Việt Nam, tương truyền dạy dỗ các Vua HùngĐền Thiên Cổ nằm trong một quần thể di tích: Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Duệ Vương. Đền là thắng tích của Trung chi Hùng lĩnh, đền thiêng của cả trời Nam. Mới đây Đền Thiên Cổ được đầu tư, xây dựng khang trang, khoáng đạt hơn xưa nhiều.  

Theo “Ngọc phả đình thôn Hương Lan”, chuyện kể rằng vào thời Hùng Vương thứ 18, niên hiệu Hùng Duệ Vương, từ vua đến dân rất quan tâm đến việc học hành, tôn sư trọng đạo, tu thân và lập thân của con người. Chính vì vậy, Vua Hùng thứ 18 đặc biệt chú trọng đến việc dạy chữ, dạy người.

Cùng thời đó có vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục mở lớp dạy học ngay tại đô thành Văn Lang. Biết được tâm đức của thầy cô, Hùng Duệ Vương đã mời hai người vào cung dạy học cho hai công chúa mà nhà vua rất mực yêu quý là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai công chúa được thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục dạy chữ, dạy đạo làm người và nhanh chóng trở thành những công nương hiền thục, giỏi giang và tháo vát.

Thầy cô sinh được 3 người con trai, nhưng các con chưa kịp trưởng thành thì hai thầy cô đã bất ngờ tạ thế. Thầy cô tạ thế cùng giờ, cùng ngày 2/2 năm Quý Dậu (288 trước Công nguyên), vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan tiếc thương công đức nên đã an táng ngay tại địa điểm hai người mở lớp dạy học, táng cùng một ngôi mộ. Ba con trai cùng các học trò và dân trong thôn trang dựng Miếu thờ hai ông bà.

Được xây dựng hơn 3000 năm nhưng bí ẩn của ngôi đền này mới được hé lộ cách đây không lâu. Theo các cụ già trong làng kể lại, từ thời Bắc thuộc cho đến thời kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, bí mật về ngôi đền vẫn luôn được giữ kín để đảm bảo đền không bị giặc phá hoại. Chỉ những người chủ tế trong làng mới biết rõ ngôi đền này thờ ai. Trước đây người dân thôn Hương Lan cũng chỉ biết đền có tên là đền Hai Cô hoặc đền Mẫu, miếu 2 cây… Năm 1978, khi Hợp tác xã Đồng Lực định đẵn cây Táu ở đền về nung gạch, 20 cụ già trong làng ra ôm gốc cây và nói: “Nếu các anh định chặt thì cứ chém chết chúng tôi trước đã”. Khi đó mọi người mới biết đây chính là ngôi đền thờ thầy giáo cổ xưa nhất nước ta. 

Trên bệ cao là tượng thầy giáo Vũ Thê Lang và vợ là Nguyễn Thị Thục, được sơn son thếp vàng. Dưới là tượng của Ngọc Hoa công chúa và Tiên Dung công chúa con gái Hùng Vương thứ 18, đầu đội mũ lông chim công. Đây là hai học trò yêu quý nhất của ông bà. Dưới là hai pho tượng nhỏ: Tiên Đồng, Ngọc Nữ theo hầu hai công chúa. Trong miếu có 3 bát hương cổ bằng đất nung, hoa văn đẹp, giống hoa văn khắc trên trống đồng. Ngoài ra còn có một bức hoành phi nhỏ ghi: Thiên Cổ Miếu” và hai câu đối bằng gỗ mộc dài chừng một mét, đều viết bằng chữ Hán.

“Hùng Lĩnh trung chi thắng tích

Nam thiên chính khí linh từ”.

Tạm dịch: Di tích ở Hùng Lĩnh (Đền Hùng) là trung tâm của cả nước không nơi nào sánh nổi/Chính miếu này là khí thiêng cả trời Nam.

Những chứng tích quý giá còn lại trong đền hiện nay vẫn còn như sắc phong, ngọc phả, tượng thầy giáo, cô giáo, tượng hai cô học tròTiên Dung – Ngọc Hoa với Tiên Đồng - Ngọc Nữ theo hầu luôn được chính quyền địa phương và những người trông coi ngôi đền gìn giữ như báu vật. Ở đây còn giữ được bản Ngọc phả viết bằng chữ Hán trên giấy gió trắng dầy 13 trang do Đông Các địa học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1573. Hoành phi và câu đối trong Đền Thiên Cổ Miếu có từ thời Tự Đức năm thứ nhất (1848). Trong đền, ngoài ba lư hương cổ bằng gốm từ thời nhà Lý, nhà Lê, còn có một số đồ thờ bằng gỗ như ống hương, hai cây nến, mõ gỗ, mâm, đĩa, lọ bình hoa, 01 đôi đèn đá, 01 lư hương đá.

Trước cửa miếu, hai bên là hai cây Táu cổ thụ, to, cao ước đoán trên ngàn năm tuổi. Người dân thôn Hương Lan kể rằng điều kỳ lạ ở hai cây Táu cổ thụ là tuy là hai cây cùng giống nhưng vào độ tháng 5, mùa trổ hoa thì một cây trổ hoa trắng, một cây trổ hoa vàng. Cánh hoa táu trải xuống sân đền như một tấm thảm lớn với hai màu trắng vàng rõ rệt. Hai cây táu đã được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo thời gian, 1 trong 2 cây đã bị suy yếu, phải có giá đỡ.

Đền Thiên Cổ Miếu được xây dựng từ chất liệu gạch, ngói, bê tông, gỗ, đá, với tổng diện tích là 4131,3m2 , đã được địa phương nhiều lần tiến hành tu sửa vào năm 2011, 2013, 2018....

Đền Thiên Cổ Miếu đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 29/VH - QĐ ngày 17/02/1990./.

 ĐÌNH THÔN HƯƠNG LAN

Đình thôn Hương Lan nay thuộc khu 7 (xóm Đình cũ), xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đình thờ Đức Đô Chấu Đại Vương (Linh Lang chàng Đại Vương), Thành Hoàng làng.

Theo lịch sử, đây là nơi thờ 03 Đô Sỹ là tướng trung thành thời Hùng Vương, về sau không theo phò nhà Thục, không chịu đi phu rồi tự vẫn, được nhân dân tôn làm Thành Hoàng làng.

Kiến trúc của Đình được xây theo kiểu chữ Đinh, chất liệu chủ yếu gạch, ngói, bê tông, đá; hướng Đông Nam. Tổng diện tích là 1900,5m2 bao gồm 03 gian đại bái, 01 hậu cung, mái lợp ngói âm, hàng cột bằng bê tông cốt thép. Đình thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.

Hiện vật trong Đình hiện nay có bộ bát bửu chấp kích, 01 trống cái, lọng, cờ, tàn tán,  01 lư hương, nhiều lọ bình hoa các loại. Đình cũng giữ được cổ vật gồm Bát hương, đồ thờ tự.

Đình Hương Lan đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 29/VH – QĐ ngày 17/02/1990./.

LĂNG BA ĐÔ SĨ

Lăng Ba đô sỹ là một điểm trong quần thể Cụm di tích LSVH Đình, Đền, Lăng thôn Hương Lan, Lăng Ba đô sĩ có vị trí tại khu 8 (xóm Thọ cũ) xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tiếp giáp với đường Vũ Thê Lang chạy qua địa bàn xã.

Lăng thờ 3 Đô sĩ (03 vị thành Hoàng làng), theo truyền lại là nơi chôn cất 03 Đô Sỹ là tướng trung thành thời Hùng Vương, về sau không theo phò nhà Thục đã về lập ấp xây dựng quê hương.

Truyền kể rằng ba anh em là con trai của vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục, 03 người có tài sức dũng mãnh, lại kiêm cả việc tập bắn cung. Còn người anh hay xuống nước hàng ngày lấy việc đánh cá làm vui.

Một ngày vào cuối tiết xuân, vạn cảnh đều yên hòa, Duệ Vương lệnh cho thuyền đi trên sông Bạch Hạc để ngắm xem cá nước. Chiêng kêu hòa với tiếng trống, lọng vàng thuyền rồng dàn khắp dọc ngang trên sông nước, đan kết thành vân, trên dưới các đầu đường tấp nập kẻ đi người lại, trông như đám hỷ chật nghẽn bên bến sông Lô.

Các anh em bèn vui mừng đến xem, trông thấy nghi vệ thái bình thì kêu lên: Than ôi! Đại trượng phu thì phải như vậy.

Duệ Vương nghe thấy lấy làm lạ liền lệnh triệu kiến. Thấy hình dạng trang nghiêm, thân thể cường tráng đó, Vua hỏi tên họ. Các anh em cứ theo thật mà trả lời. Nhân đó Vua lệnh lấy tên là Chàng Chấu để gọi (ngay hôm đó quyết cho các Chàng Chấu theo sau kiệu làm tùy tùng). Được vài tháng cử chỉ trở nên thân mật, mọi việc đều chu toàn. Vua lấy làm lạ, cho làm Đô sĩ. Một năm trong ba lần đi hộ giá thị tòng, thấm sâu thánh trạch ưu ái thiên ân, hương lửa cùng có duyên vậy.

Đến lúc lòng Trời có hạn, cơ nhà Hùng kết thúc. Duệ Vương tự vì giàu mạnh mà không tu chính đức, lấy ấn kiếm làm đồ giữ nước, lấy tửu sắc làm nền móng cho việc thủ thành, việc võ bị phế buông. Ngày đêm yến ẩm ở trong cung đình. Thục Vương thừa cơ đến xâm lấn. Tướng sĩ đều cùng tử nạn. Thư từ biên thùy báo gấp mà Vua không nghe. Đến khi quân Thục đã đến gần, Vua còn đang say chưa tỉnh. Tướng sĩ trong nước hàng Thục nên cơ đồ họ Hùng đã hết. Than ôi, không có điều gì để nói về sự này nữa. Bể dâu đổi thay. Thế cuộc xoay vần. Thế này cũng đã không còn như vậy được nữa.

Các anh em từ đó dắt díu nhau về quê cũ, rời bỏ khăn mũ, phú quý rũ trần. Lấy ngày yên bình với nơi sông nước. Núi rành rành, nước rào rào, nhớ đến ngòi nước nhỏ trong xanh. Bèn chuyên việc đánh cá uống rượu, thực là những người nhàn hạ bậc nhất, không quan tâm đến thế sự.

Được năm sáu tháng khi Thục Vương lấy được nước, cho xây thành ở Việt Trì, rộng hơn ngàn trượng, cuốn quanh như vỏ ốc, tên gọi là Loa thành. Cứ xây lại đổ. Thục Vương lệnh tìm người để làm phu. Theo lệnh chỉ thi hành, sai quan tìm bắt các anh em. Các anh em đều nói rằng: Chúng ta đều đã nhận ân sâu của Hùng Vương, chưa kịp báo đáp. Nay còn có tấm thân lại bắt theo triều khác. Cam tâm để người sau sai khiến được sao?

Liền cùng nhau trốn ra nơi thường câu cá, rập đầu trước trời mà nói: Trời xanh trăng sáng, núi cao nước trong, các thánh họ Hùng nguyện giám cho lòng thành.

Khi đó là ngày 10 tháng 10. Bèn ôm đá cùng nhau nhảy xuống đầm mà chết. Hôm sau người dân trong thôn trang vội vớt di hài mà an táng. Bỗng thấy mối đùn thành một gò đất lớn (ngày 9 đến 12 tháng 10 là ngày lệ hóa thần). Gò đất đó tức là khu Đồng Bò. Thục Vương nghe việc này mới than rằng: Các quan tướng của Duệ Vương đều theo sự sai khiến của ta. Chỉ có các Đô sĩ lại có nhân phẩm cao, chịu ơn vua mà cùng quyên sinh vì nghĩa như vậy. Liền trong ngày lệnh lấy tên gọi trước đây mà Duệ Vương đã đặt để phong làm Đại vương. Sai người trong trang lập miếu để phụng thờ. Qua các thời họ Triệu, Tiền Lý, Hậu Lý, Đinh, Lê, Lý, Trần đều cảm lòng trung mà có mệnh phong cho sáng tỏ.

Đệ nhất vị Linh Lang Chàng Chấu đại vương;

Đệ nhị vị Linh Lang Chàng Chấu đại vương;

Đệ tam vị Linh Lang Chàng Chấu đại vương;

Trang Hương Lan phụng thờ.

Năm 2021, Lăng Hương Lan được tu sửa, với chất liệu xây dựng chủ yếu là đá xanh, mặt quay theo hướng Nam, tổng diện tích là 560,5m2 . Hiện nay trong Lăng còn lưu giữ được 01 cây hương, 01 lăng mộ đá, 01 đôi cây đèn đá.

Di tích Lăng Hương Lan đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 29/VH - QĐ ngày 17/02/1990./.