Đình Thượng được xây dựng tại khu dân cư số 4, nằm ngay sát đường dân sinh. Đình quay hướng Đông Bắc, với kiến trúc chữ Nhất (-), 3 gian.
Đình Thượng toạ lạc trên khu đất bằng phẳng trong khuôn viên rộng 962m2, phía trước Đình là khoảng sân rộng 120m2, sạch sẽ được dùng là nơi hội họp, tế lễ của dân làng. Đình Thượng có diện tích 65m2, dài 9,0m, rộng 7,2m. Mái đình lợp ngói sông Cầu, trên đỉnh mái có đắp “lưỡng long chầu nhật”, nền lát gạch chỉ, trước hiên đình có hai trụ biểu trên đỉnh cột đắp hai con nghê chầu vào nhau.
Hiện nay không còn tư liệu để xác định chính xác niên đại xây dựng đình Thượng. Qua khảo sát trên cơ sở một số hiện vật còn lưu giữ tại đình như: bát hương gốm da lươn, thàn tích xã Chu Khổng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ (nay là xã Chu Hoá, thành phố Việt trì) và tư liệu kiểm kê di tích ngày 15/8/1964 của Ty Văn hoá Phú Thọ ta có thể đoán định niên đại tương đối của đình Thượng; được xây dựng vào thời Nguyễn ( giữa thế kỷ thứ XIX) với kiến trúc chữ Đinh. Trải qua thời gian với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi đình không còn giữ nguyên được kiến trúc cổ. Năm 1998 Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã quyết định cho phép phục hồi đình Thượng trên cơ sở vị trí cũ, kiến trúc chữ Nhất; 01 toà, 3 gian.
Hiện tại đình Thượng còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như: ngai thờ, lư hương, hòm đựng đồ tế, ống sắc, đĩa sứ men lam…
Cổ vật: ngai thờ 01 chiếc.
Lư hương gốm da lươn 01 chiếc.
Di vật: Hòm đựng đồ tế, hòm sắc, ống sắc (01 chiếc); đĩa sứ 03 chiếc.
Hiện vật: Ngai thờ còn 02 chiếc; án gian 01 chiếc; Mâm bồng (03 chiếc); Bát hương sứ (03 chiếc); …
Lịch sử thờ tự đình Thượng xuất phát từ truyền thống tri ân công đức tổ tiên, truyền thống yêu nước của mỗi người dân Việt Nam tưởng nhơ công lao của các vị anh hùng dân tộc, các vị thiên thần, nhân thần với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” , “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Đình Thượng là một công trình tín ngưỡng của nhân dân, nơi gửi gắm tâm linh của đông đảo nhân dân trong vùng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân xã Chu Hoá.
Lễ hội đình Thượng ngày nay đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tinh thần có giá trị làm thoả mãn cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tạo nên sự đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới.
Trong năm Đình Thượng duy trì 4 kỳ tiệc lệ:
Trước đây hai Đình làng Thượng và đình làng Hạ cùng tổ chức tế lễ tại đình vào ngày này. Dân làng tổ chức tế ở đình làng Thượng trước, sau đó vào tế ở đình làng Hạ (đình làng Thượng thờ ông anh cả, đình làng Hạ thờ ông em). Ngày nay hai đình đã phân công nhau trong việc tế lễ: Đình Thượng tổ chức tế vào ngày mùng 7 tháng giêng (ngày mà 3 vị thuỷ quan được vua Hùng Duệ Vương cử đi đánh giặc Thục), đình Hạ tổ chức tế lễ vào ngày 12 tháng 7 âm lịch (ngày các ông đại thắng trở về).
Dân làng tổ chức ngày đại lễ mùng 7 tháng giêng để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị Thuỷ quan. Đồng thời đây cũng là ngày hội đón xuân mới của dân làng, với một năm mưa thuận gió hoà, nhân khang vật thịnh. Trong ngày đại lễ các nghi thức được tổ chức trang trọng, thành kính theo phong tục truyền thống của địa phương.
Lễ vật gồm: Xôi gà, hoa quả, rượu, hương, trầu cau.
-Ngày 5/3 âm lịch cúng bằng bánh dày trắng có trình rối ( tức trình diện).
-Ngày 12/7 âm lịch trọi trâu thắng trận mở tiệc khao quân ăn mừng.
-Sáng 13/7 mổ trâu thui ăn thịt bằng trâu tái, chấm muối vừng, uống rượu trắng.
-Ngày 2/8 âm lịch kỷ niệm sinh nhật 3 vị thánh. Cầu gà xôi và có điều kiện mổ trâu mộng, uống rượu trắng.
Đình Thượng hiện nay được chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm bảo vệ. Hiện tại chính quyền xã Chu Hoá đã giao cho hội người cao tuổi của xã trông coi, quản lý. Di tích thường xuyên được chăm sóc, đèn nhang, duy trì phần lễ hàng tháng vào các ngày tuần.
Thành lập ban quản lý di tích do đại diện chính quyền làm trưởng ban. Ban quản lý di tích có trách nhiệm quản lý bảo vệ di tích theo quy định của luật Di sản văn hoá và dưới sự hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn của Sở VH, TT&DL Phú Thọ và UBND thành phố Việt Trì.