ĐÌNH LÀNG HẠ
Cập nhật ngày: 16/12/2022 07:51
Đình Làng Hạ được xây dựng tại khu dân cư số 1, nằm ngay sát đường dân sinh. Đình quay hướng Đông Nam, vốn có kiến trúc chữ Nhị, hiện còn lại toà hậu cung kiến trúc chữ Nhất, 3 gian. Đình toạ lạc trên khu đất bằng phẳng, có diện tích 685,9m 2. .

Đình Hạ thờ Thủy thần có tên hiệu Đức đệ Nhị Đông Hải đại vương, có công giúp vua Hùng Duệ Vương thứ 18 đánh giặc giữ nước.

Đức đệ Nhị Đông Hải cùng với Đức thánh cả Đông Hải và Đức thánh đệ Tam Đông Hải là 3 anh em. Lịch sử 3 vị đại vương thuỷ quan có công giúp triều Hùng được nêu rõ trong thần tích xã Chu Khổng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ (nay là xã Chu Hoá, thành phố Việt Trì).

Đình Hạ hiện không còn cơ sở dữ liệu Hán Nôm ghi lại chính xác niên đại xây dựng. Theo thần tích xã Chu Khổng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ (nay là xã Chu Hoá, thành phố Việt Trì) soạn năm 1572 ghi lại sự tích các vị thần thờ tại Chu Hoá. Như vậy tại Chu Hoá đã có nơi thờ tự các vị thần từ trước năm 1572, thế kỷ XVI.

Trên cơ sở một số cổ vật còn lưu giữ được tại dình và theo tư liệu kiểm kê ngày 15/8/1964 của Ty Văn hoá Phú Thọ, Đình Hạ được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn, toà đại bái đình Chu Hoá Hạ đã bị hư hỏng trong những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Hiện tại đình Hạ còn bảo lưu toà hậu cung với bộ khung Đình bằng gỗ; trên hai câu đầu gian giữa có ghi hàng chữ Hán : “Bảo đại nguyên niên tân tạo đại cát”( Năm Bảo Đại thứ nhất 1925 dựng mới, đại cát) và “Mùi nguyệt Mão nhật Thìn thời hợp hoàn” (Giờ Thìn, ngày Mão, tháng 8 hoàn thành).

Như vậy, ta có thể đoán định niên đại đình Hạ có từ thế kỷ XVI, trải qua thời gian nhiều lần biến đổi, đến thời Nguyễn – thế kỷ XIX, được trùng tu năm 1925. Năm 2006 khôi phục nhà tả mạc và hữu mạc.

 Năm 2018- 2019 Đình Hạ được xây dựng mới với tổng số tiền: 2.976.883.000 đồng. Hiện nay đình vẫn giữ được những nét kiến trúc truyền thống của một ngôi đình làng Việt.

          Hàng năm vào hội tế lễ thành hoàng, diễn lại sự tích của 3 vị với các hình thức phong phú. Các kỳ lễ hội trong làng tổ chức vào ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch trình diễn trò Cầu kem ( hay chạy Kem) và lễ hội trọi trâu vào ngày 12/7 âm lịch. Hiện nay trò chạy Kem, trọi trâu trải qua thời gian gián đoạn không được tổ chức thường xuyên cũng đã bị mai một.

          Lễ hội làng Chu Hoá với nội dung đặc sắc chính là giá trị văn hoá phi vật thể gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

          Cổ vật:

          Thần tích xã Chu Khổng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ (nay là xã Chu Hoá, thành phố Việt Trì) sao lại từ bản gốc được lưu giữ tại Viện Hán Nôm.

          Bát hương: Chất liệ sứ; niên đại thế mkyr XIX. Bát hương sứ men lam, hoạ tiết trang trí dây hoa lá, kích thước cao 0,15m, đường kính 0,20m.

Di vật:

Hòm đựng sắc: Chất liệu: gỗ, niên đại: cuối thế kỷ XIX. Hòm gỗ sơn đen, hình chữ nhật, có nắp, có khoá bằng kim loại. Kích thước: cao 0,13m, dài 0,36m, rộng: 0,20m.

Bài vị: 02 chiếc, chất liệu gỗ, niên đại: cuối thế kỷ XIX. Kích thước: cao 0,58m, rộng 0,37m. Bài vị sơn then…

Hiện vật :

Bát hương sứ to: 01 chiếc

Bát hương sứ nhỡ: 04 chiếc

Bát hương nhỏ: 02 chiếc

Đẳng thờ, ngai thờ, trống.

Đình Hạ, xã Chu Hoá, thành phố Việt Trì thờ Thuỷ thần có tên hiệu Đức thánh đệ nhị Đông Hải đại vương, đồng thời di tích còn phối thờ Đức thánh mẫu Trần Thị Sương, Đức thánh cả Đông Hải quan chi thần và Đức thánh đệ tam Đông Hải quan chi thần – những nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương. Ba ông đã có công lao vô cùng to lớn trong việc giúp vua Hùng Duệ vương đánh giặc Thục bảo vệ giang sơn đất nước. Đình Hạ là một trong hệ thống di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.