Đình Nông Trang thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, một vị tướng giỏi đã lãnh đạo dẹp loạn 12 sứ quân và giành thắng lợi ở thế kỷ thứ X. Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định được nền độc lập, tự chủ của đất nước bằng cách xưng đế, đặt tên nước riêng, đặt niên hiệu riêng. Thắng lợi của ông đã tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến chống quân Tống của Lê Hoàn thắng lợi và các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, về sau xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền, độc lập, tự chủ. Tháng 10 năm 979, Vua Đinh Tiên Hoàng mất, để tưởng nhớ Vua Đinh, nhân dân Nông Trang đã xây dựng ngôi đình với kiến trúc cổ thời Nguyễn, ngôi đình được thiết kế theo kiểu chữ Đinh 2 gian hậu cung, 3 gian 2 chái đại bái, mái lợp ngói mũi hài, tường xây gạch đá ong một loại vật liệu có sẵn đặc trưng của vùng trung du Phú Thọ. Trải qua thời gian ngôi đình đã bị xuống cấp. Đến năm 1929 ngôi đình đã được tu bổ và liên tiếp các năm sau ngôi đình đều được trùng tu, sửa chữa nhỏ. Đến tháng 3 năm 2016, ngôi đình được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Nông Trang trùng tu, tôn tạo lại.
Hơn một ngàn năm qua, mặc dù đất nước bị xâm lược. chiến tranh tàn phá nhưng nhân dân Nông Trang nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung đã bảo vệ tôn tạo nơi thờ tự thiêng liêng này. Hàng năm cứ đến ngày mùng 8 tháng Giêng nhân dân Nông Trang làm lễ hội đình để tưởng nhớ ngày Vua Đinh Bộ Lĩnh làm tế lễ xuất quân dẹp loạn 12 sứ quân thắng lợi lập nên nước Đại Cồ Việt xây dựng nhà nước thái bính thịnh trị đưa giang sơn thu về một mối. Không khí lễ hội được chuẩn bị trước đó nhiều ngày, người dân hân hoan, náo nức đến ngày hội làng. Xưa kia trong ngày này làng thường tổ chức mời phường Xuân đến hát cửa đình, cỗ thường được bày trên các mâm gỗ có lót lá chuối. Vào mỗi dịp tưởng nhớ và mừng lễ đăng quang làm Vua của Đinh Tiên Hoàng, ngôi đền nhỏ bên gốc cây đa cổ thụ luôn nhộn nhịp, sắc màu rực rỡ và náo nức âm thanh. Trong lễ hội đình Nông Trang còn diễn ra một số trò diễn, trò chơi giải trí, thi tài, sinh hoạt văn nghệ như: Chọi gà, bịt mắt bắt dê, kéo co phong phú đa dạng tăng thêm sức hấp dẫn của lễ hội truyền thống.
Lễ hội Đình thường được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới, thông qua đó tuyên truyền giáo dục thế hệ về ý nghĩa của ngôi Đình, tạo ý thức bảo vệ, tu bổ tôn tạo ngôi Đình ngày càng khang trang hơn. Cũng thông qua buổi lễ đầu năm, là dịp để nhân dân cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, con người có cuộc sống ấm no, đủ đầy, sống vui sống khỏe và hạnh phúc; già thì tăng niên tăng thọ, trẻ khỏe mạnh học giỏi thành tài đỗ đạt cao./.