ĐÌNH KIM ĐÁI
Cập nhật ngày: 13/12/2022 12:40
Kim Đái là một làng cổ nằm trên địa bàn Kinh đô Văn Lang - trung tâm nước Văn Lang thời kỳ các Vua Hùng dựng nước, bởi vậy, lịch sử hình thành và thờ tự của hệ thống di tích nơi đây gắn liền với thời đại của các Vua Hùng. Cùng với miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình An Thái, đình Kim Đái là một trong những di tích - Không gian văn hóa tiêu biểu của vùng đất Tổ Phú Thọ gắn liền với hai di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại: “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.

Đình Kim Đái thờ phụng Hùng Vương, được dân gian truyền gọi bằng các mỹ tự: Viễn Sơn đại vương, Ất Sơn đại vương và Áp Đạo quan đại vương. Đây là ba vị có công dạy dân trồng cấy, chăn nuôi, che chở cho muôn dân có được cuộc sống yên bình.

Hiện nay, đình Kim Đái không còn lưu giữ được tài liệu Hán Nôm “Thần tích” ghi chép về lịch sử, hành trạng các vị thần được thờ tại di tích. Trên cơ sở các tài liệu Hán Nôm hiện có trong di tích: Sắc phong được phục chế trên cơ sở nội dung Sắc phong được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, trong đó có ghi các tước hiệu, mỹ tự của Hùng Vương được triều đình phong kiến nhà Nguyễn phong tặng trên cơ sở kế thừa các triều đình phong kiến phong tặng (chủ yếu từ thế kỷ XV trở về sau). Đặc biệt là truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương dựng nước được lưu truyền ở làng Kim Đái nói riêng, các làng thuộc thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao nói chung và các tư liệu ghi chép về đình Kim Đái, do các bậc cao niên làng Kim Đái biên soạn; có thể tóm lược lịch sử vị thần được thờ tại đình làng Kim Đái như sau:

Theo truyền thuyết kể lại, xa xưa trước khi Lân Lang, người con cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ định đô tại đất Phong Châu, dựng nên nhà nước Văn Lang, ở vùng đất đó đã có người dân sinh sống, được gọi là kẻ Đơi (làng Kim Đái, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì).

Khi Lân Lang định đô tại đất Phong Châu, dựng nên nhà nước Văn Lang, hiệu là Hùng Quốc Vương. Hùng Quốc Vương ổn định triều đình, cử các em và các con đi trấn giữ các nơi. Miền Đông Bắc kinh đô Phong Châu, sát với kinh đô, lại là nơi rừng núi trùng điệp, hiểm trở, Hùng Quốc Vương giao cho người con cả là Viễn Lang vừa tài văn võ, lại là người tin cậy nhất trấn giữ. Phụ giúp cho Viễn Lang, Hùng Quốc Vương cử thêm hai người con nữa là Ất Lang và Cao Lang đi cùng. Ba anh em Viễn Lang đi đến kẻ Đơi, thấy nơi đây rừng núi trùng điệp, hiểm yếu, có 3 vòng thủy bao bọc như ba bức thủy thành, thế đất rất có lợi cho quân sự nên 3 anh em đã chọn kẻ Đơi để đặt bản doanh của mình. Ba anh em Viễn Lang ổn định căn cứ trấn giữ, thu thập thêm dân cư quanh vùng, lập nên làng xóm. Ba ông còn dạy dân khai phá đất hoang để trồng trọt, cấy lúa, dạy dân bắt thú hoang về thuần hóa để chăn nuôi… Cuộc sống của dân làng ngày càng no đủ, người dân yên vui. Hùng Quốc Vương già yếu qua đời, truyền ngôi cho Viễn Lang, Viễn Lang kế ngôi lấy hiệu là Hùng Mỹ Vương. Khi Hùng Mỹ Vương và Ất Lang, Cao Lang băng hà, người dân vô cùng thương tiếc, để tưởng nhớ công ơn đã cho làm nhà để thờ phụng. Nơi thờ tự ấy được làm tại khuôn viên ngôi đình Kim Đái hiện nay. Duệ hiệu của 3 vị được tôn thờ là Viễn Sơn đại vương, Ất Sơn đại vương và Áp Đạo quan đại vương lưu truyền đến ngày nay đình Kim Đái vẫn phụng thờ.

Đình Kim Đái hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) như: Ngai thờ, lư hương gốm da lươn, đẳng thờ, bảng chúc, mâm bồng, nến phao…cùng hệ thống hiện vật: 07 đạo Sắc phong phục chế, trong đó, đạo Sắc phong có niên đại sớm nhất “Thiệu Trị lục niên, thập nhất nguyệt, thập thất nhật” - Thiệu Trị năm thứ 6 -1846, ngày 17 tháng 11.

Như vậy, trên cơ sở các tài liệu lịch sử, tài liệu Hán Nôm, tư liệu điều tra, khảo sát, các cổ vật hiện còn lưu giữ tại di tích, ta có thể đoán định tương đối lịch sử xây dựng, tồn tại của đình Kim Đái: Ngôi đình được tạo dựng từ rất lâu trong lịch sử, ít nhất phải vào thế kỷ XVIII, trải qua thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thiên nhiên, đã nhiều lần bị hư hỏng, được tu sửa kiến trúc vào năm 2015 - 2016. Ngôi đình làng Kim Đái được đại trùng tu, tôn tạo, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử tồn tại, phát triển, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người dân làng vùng quê Kim Đái.

Nhìn về khởi thủy, đình Kim Đái vốn được cộng động dân cư tạo lập từ hàng trăm năm. Không nằm ngoài quy luật lịch sử chung của các công trình kiến trúc cổ, đình Kim Đái cũng đã được tạo dựng qua 2 giai đoạn. Từ thế kỷ thứ X trở về trước, đình Kim Đái cũng như hầu hết các nơi thờ tự (đình, đền, miếu) gần như được tạo lập bằng tranh tre, nứa lá. Kể từ triều Lý trở đi, nhất là dưới triều đại nhà Lê (thế kỷ XV), dưới sự cho phép của chính quyền hàng tổng và triều đình, cộng đồng dân cư xây dựng nơi thờ tự (cả về mặt khuôn dạng kiến trúc lẫn bài trí nội thất) một cách bề thế với kiểu kiến trúc chữ Đinh, gồm đại bái 3 gian 2 dĩ và hậu cung 2 gian, kết cấu bộ khung đình bằng gỗ với 6 hàng chân cột, mái lợp ngói âm, đi kèm với kỳ tiệc lệ linh thiêng, náo nhiệt.

Trải qua thời gian dài biến thiên của lịch sử, nhiều lần giặc giã, đình Kim Đái bị phá hoại lần nào thì sau đó cũng được dân làng dựng lại nơi nền đình cũ làm nơi thờ phụng. Năm 1949, kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Kim Đái bị đốt cháy cùng toàn bộ đồ thờ, sắc phong, kiệu bát cống… Năm 1955 - 1956, dân làng dựng lại ngôi đình để thờ phụng, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở địa phương. Do hoàn cảnh và điều kiện kinh tế, đình Kim Đái được phục hồi quy mô nhỏ hơn và sơ sài về kiến trúc.

Năm 2014, thực hiện Chương trình hành động số 382/CTr-UBND ngày 13/02/2012 về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2012 - 2015), đưa “Hát Xoan Phú Thọ” ra khỏi tình trạng khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2952/QĐ-UBND duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích đình làng Kim Đái. Thời gian thực hiện từ 2015 - 2016 với nội dung tu bổ, tôn tạo tòa Đại đình, Tả vu, Hữu vu, Lầu hóa vàng, Nghi môn và các hạng mục phụ trợ (sân, tường rào, nhà vệ sinh) trên tổng diện tích 2.150m2. Tháng 12/2016, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đình Kim Đái đã được tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh tòa Đại đình, Nghi môn, Tả vu, Hữu vu, cải tạo Giếng đình, xây dựng Nhà che giếng và các hạng mục công trình phụ trợ đảm bảo đáp ứng một cách tích cực nhất nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng hiện tại và lâu dài.

Gắn liền với di tích đình Kim Đái là các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay trong một năm đình Kim Đái duy trì 07 kỳ tiệc lệ: Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán; Ngày mùng 7 tháng Giêng; Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch; ngày 25 tháng 5; ngày 25 tháng 10; Ngày 12 tháng 9 và ngày 15 tháng Chạp. trong đó ngày 12/9 là ngày đại tiệc của đình.

Việc tổ chức lễ hội truyền thống đình Kim Đái, với các hoạt động nghi lễ, văn hóa dân gian nhắc nhở mọi thế hệ hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức đối với người đã có công với dân với nước. Thông qua các hoạt động của lễ hội làm cho người dân Kim Đức gắn bó mật thiết với nhau hơn. Đó cũng là dịp để mọi người cộng cảm, nhất là thế hệ trẻ lại có dịp để tìm hiểu, tưởng nhớ công lao, bày tỏ lòng tôn kính với vị thần của làng mình. Từ đó mỗi người đều có ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Đình Kim Đái là công trình kiến trúc tín ngưỡng giữ vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư sở tại. Di tích là một trong hệ thống 345 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Lịch sử thờ tự của đình Kim Đái là sự tiếp nối truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tổ tiên, tưởng nhớ công lao của những người có công với dân với nước.

Giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa đặc sắc chỉ có ở di tích đình Kim Đái và các di tích: Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình An Thái, miếu Cấm - Không gian văn hóa gắn liền với “Hát Xoan Phú Thọ” - di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng gắn với việc thờ phụng các Vua Hùng, với sự bảo tồn, thực hành, trao truyền Hát Xoan trong không gian văn hóa đình làng Kim Đái, giúp cho các thế hệ nhận thức sâu sắc thêm các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc buổi đầu dựng nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ngày mùng 10 tháng 3 năm 2017, UBND tỉnh phú thọ đã ra QĐ số 500 về việc, xếp hạng di tích LS - VH cấp tỉnh, đình Kim Đái, đây là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đối với đảng bộ chính quyền và các tầng lớp nhân dân xã Kim Đức. Đồng thời là trách nhiệm của cán bộ cùng toàn thể nhân dân, trong việc tiếp nối truyền thống đoàn kết, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, chung tay xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, nhân dân có đời sống ấm no hạnh phúc./.