ĐỀN THƯỢNG
Cập nhật ngày: 13/12/2022 09:33
Đền Thượng xã Thụy Vân được UBND Tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh theo số quyết định số 3313/QĐ-CT ngày 28/10/2004.

Hiện nay không còn lưu giữ được cuốn ngọc phả gốc, song căn cứ vào 5 đạo sắc phong gốc và bản sao kê khai thần tích và thần sắc lưu giữ tại Viện thông tin khoa học xã hội, thì đền Thượng Cẩm Đội thờ 3 vị thần Thành hoàng húy là Quí Minh và Bạch Thạch, là những vị tướng thời Hùng Vương còn Đông Hải đại vương là vị tướng thời Lý. Đây là các vị tướng giỏi đã có công trong việc dẹp giặc bảo vệ quê hương đất nước, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

          Truyền thuyết kể rằng: Quí Minh và Cao Sơn là hai anh em sinh đôi, hai anh em có diện mạc khác thường, khôi ngô tuấn tú, lại có tài văn võ. Năm 18 tuổi, cha mẹ mất, sau 3 năm mãn tang hai ông lên ở đất Sơn Tây. Tản Viên Sơn thánh nghe tin liền cho mời Quí Minh đến rồi kết bạn.

          Thời Hùng Vương 18, giặc giã thường nổi lên, nhà vua cử Tản Viên Sơn thống lĩnh quân sỹ để chống giặc. Khi nhận nhiệm vụ, Tản Viên Sơn lại tiến cử Cao Sơn và Quí Minh cùng giúp việc nước. Quí Minh lĩnh chức hữu tướng quân, được phân công về Cẩm Đội. Các tể tướng thưa với ngài rằng: ở Cẩm Đội có ngôi đền rất thiêng, trước khi hành quân ngài đến cầu mộng xem lành dữ ra sao rồi hãy cất quân. Nghe lời tướng sỹ, đêm hôm đó ngài đến cầu mộng tại Đền, thấy một vị tiên nữ mặc áo trắng hiện lên bảo rằng: Ngài cứ hành quân về phía Tây – Nam, sang mạn sông Đà gặp giặc (tức quân Thục Phán ). Do quân của ngài ít, nên đã bị bao vây, lúc đó ngài chợt nghĩ đến mộng báo đêm qua, ngài ngẩng mặt lên trời, thấy một tiên nữ trên đám mây chỉ bảo, ngài liền cho quân đánh mở đường rồi phản công liên hồi khiến quân địch đại bại.

          Khi chiến thắng trở về được nhà Vua phong thưởng, sau khi đất nước thanh bình, ngài xin Vua Hùng Duệ Vương được về nghỉ tại Cẩm Trang, được nhà vua đồng ý. Thời gian ở Cẩm Trang ngài cho tu sửa đền đài, nơi thờ cúng để Thần thánh độ trì cho. Khi về già, ngài từ biệt nhân dân trở về quê, dân trang cố níu không được, lại xin được thờ phụng ngài làm phúc thần và được ngài đồng ý. Về sau dân làng Cẩm Đội được biết ngài đã thăng hóa vào ngày mồng 3 tháng giêng âm lịch. Vì vậy làng Cẩm Đội lấy ngày đó làm ngày thánh hóa và lập đền thờ phụng ngài.

          Trải qua các đời được vua phong sắc như sau: Sắc Đồng Khánh thứ 2 (ngày 11/7/1887 ) Sắc Khải Định thứ 9 (ngày 25/7/1924 ). Tước vị được Vua phong: Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.

          Truyền thuyết lại kể rằng: Khi Quí Minh ở Cẩm Trang, người bạn chiến đấu của ngài là đức Bạch Thạch thường qua lại thăm hỏi và đức Tản Viên Sơn thánh (con rể Vua Hùng Vương ) mỗi khi lên kinh đô Phong Châu thăm vua cha, nhạc phụ cũng thường qua chơi, ngài có làm gỏi cá và mời Tản Viên Sơn thánh ăn gỏi, hôm đó là ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch. Về sau để tưởng nhớ các ngài, dân làng Cẩm Đội làm lễ cầu mát (vào hè), có cúng mâm gỏi cá gọi là “Gỏi trảng sàng”. Ngày hôm đó, cắm lá cờ tại đầu gò Chảy ngoài. Khi nào thấy cờ bay chỉ về phía đình thì mới cúng gọi là “Cầu hèm”. Chỗ cắm cờ hiện nay gọi là cầu Bái Sứ.

          Đến thời nhà Lý, khi Trần Thủ Độ chuyên quyền âm mưu cướp ngôi nhà Lý. Lúc đó ở Hồng Châu, Hi Hưng có vị tên là Đông Hải không thần phục Trần Thủ Độ, ông cùng một số tướng sỹ chỉ huy cầm quân đánh nhau với Trần Thủ Độ. Đánh nhau cầm cự từ Kinh Đô Thăng Long lên Đất Tổ Hùng Vương và cũng đóng quân tại Cẩm Đội.

          Mặc dù triều đại nhà Lý đã đến lúc suy tàn, ngài không thể cứu vãn được, song với lòng trung dũng vô biên, nên sau khi qua đời, để tưởng nhớ một vị tướng trung thần dân làng Cẩm Đội lập bài vị thờ ngài cùng với đức Quí Minh và cùng tạc tượng để phụng thờ 2 vị thần. Các triều đại có phong sắc:

Hàng năm cứ đến ngày mùng 3 và mùng 4 tháng Giêng là dân làng tổ chức dâng hương dâng lễ vật để tưởng nhớ đến các vị thần đã có công với đất nước./.