Tương truyền, trong số các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, có một nữ tướng rất đặc biệt, đó là Nàng A - vị nữ tướng vốn xuất thân là một nhà tu hành theo Phật giáo. Theo thần tích ở đền Nhật Chiêu (nay thuộc huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thì Nàng A vốn là một cô gái xinh đẹp và rất chịu thương chịu khó (theo tờ thần tích này, Nàng A cũng có khi được chép là Quách A.
Bấy giờ, bọn tay sai nhà Hậu Hán định bắt Nàng A dâng nạp cho quan đô hộ để lấy thưởng, Nàng A đành bỏ làng vào núi để tu, cũng là để tạm lánh bọn ác quỷ. Từ đó, Nàng A có đạo hiệu là Ni cô Khâu Ni. Nơi Ni cô Khâu Ni tu hành nay chính là chùa Huyền Cổ.
Vào thời ấy, quân đô hộ thi nhau ức hiếp dân lành, chúng tàn ác chưa từng thấy, người người đều oán giận, đến cả bậc tu hành từ bi như Khâu Ni cũng không thể nào chịu đựng nổi. Khâu Ni liền bí mật tập hợp những người giàu lòng yêu nước và quyết tâm giết giặc để sẵn sàng chờ cơ hội vùng lên. Bên ngoài là người tu hành nhưng bên trong nàng A vẫn rèn đúc tâm trí để một ngày kia có thể đem ra giúp nước. Tập bắn cung múa kiếm, ném lao. Nàng A còn tập cả cách hái thuốc chế thuốc chữa bệnh.
Có con cọp đến trở dạ đẻ ở mé sau chùa. Cọp oằn mình vật vã rất đau đớn nhưng cũng rất là dữ tợn. Mọi người đều sợ hãi không ai tới gần. Nàng A đi tìm lá thuốc rồi giã ra, đem dịt cho cọp, thản nhiên như thường. Cọp đẻ xong như thể biết ơn, tha con đi biệt, từ đấy không bao giờ trở lại quấy nhiễu nữa.
Càng ngày dân chúng càng cảm phục nàng A. Người theo về mỗi ngày một thêm đông, cùng nàng tập luyện. Mọi người gọi nàng là sư cô Khâu Ni. Bấy giờ Khâu Ni mới rõ chí nguyện của mình. Mọi người nô nức tán đồng, cùng nhau rèn đúc vũ khí, chuẩn bị lương thực. Khâu Ni hướng dẫn cho mọi người tập luyện không những các môn võ nghệ mà cả các trậïn pháp, từ đánh bộ đến đánh thủy đều rất thông thạo.
Được tin Hai Bà Trưng cũng đang ráo riết chuẩn bị lực lượng cho một cuộc khởi nghĩa lớn, Khâu Ni lập tức đem toàn bộ lực lượng của mình về ra mắt Hai Bà. Hai Bà Trưng rất vui mừng, liền phong cho Khâu Ni làm Tả Tướng. Bà được giao chỉ huy đội thủy quân.
Khi ra trận, trên chiến thuyền của Khâu Ni có mộït chiếc trống lệnh rất lớn. Mỗi khi tiếng trống đổ hồi, thuyền quân ta lao vun vút, quan sĩ gươm giáo tuốt trần nhất tề xông vào thuyền giặc, làm cho chúng kinh hoàng bạt vía phải chạy tan tác.
Tả tướng Khâu Ni là một trong những vị tướng có công rất lớn trong trận đánh quyết định vào thành Luy Lâu (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), khiến cho tướng giặc là Tô Định bị đại bại, phải vất bỏ ấn tín, cạo râu, cạo tóc mà tháo chạy về Trung Quốc. Nhờ công lao này, Nàng được Trưng Nữ Vương phong làm Khâu Ni Công Chúa và cho được cai quản vùng đất nay tương ứng với Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Bà lại dẫn quân bản bộ về quê làm ăn sinh sống.
Ấp Nhật Chiêu, nay là xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, là nơi bà Khâu Ni đóng bản doanh. Tại đây bà cho lập đồn trại và sửa sang lại ngôi chùa trước kia bà đã từng tu luyện, rồi cho treo chiếc trống trận ở đó. Vì thế chùa này đến nay vẫn gọi là chùa trống.
Nhưng sau ngày đại thắng chưa được bao lâu thì Khâu Ni Công Chúa đã lâm bệnh rồi qua đời. Để khắc ghi công trạng và ân đức của Khâu Ni Công Chúa, nhân dân ở nhiều địa phương nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã lập đền thờ Bà.
Truyền thuyết kể lại ngày 6 tháng Giêng âm lịch, công chúa Khâu Ni nhân được mùa bèn mở hội khảo thưởng quân dân, bỗng có đám mây vàng bay xuống, công chúa bước lên rồi biến mất. Từ đó dân vùng Bạch Hạc (Việt Trì) và Nhật Chiêu (Yên Lạc) mỗi năm đều lấy ngày 6 tháng Giêng làm ngày mở lễ hội, đền Tam Giang Thượng ở Bạch Hạc là nơi mở hội chính, vừa là hình thức sinh hoạt cộng đồng chung, vừa để cầu một năm mới con cháu đuề huề, cấy hái được mùa, đánh bắt bội thu, buôn bán phát đạt.
Nhân dân tôn bà Thần Thành Hoàng, lập đền thờ ở làng Nhật Chiêu. Khi cúng tế mọi người ở đây kiêng mặc áo vàng, vì đó là y phục trước kia bà đã mặc ra trận.
Trong khi tiến hành hội lễ có tục lệ trâu thui cả con, để tưởng nhớ hội xuất quân của bà Khâu Ni ngày trước. Khi thui trâu chín xong thì dân làng và khách thập phương dùng dao xẻo mỗi người một miếng, rồi ăn tại chỗ.
Lại có cả trò chơi cướp cầu, cướp cờ và bơi chải rất náo nhiệt. Tại ngã ba Bạch Hạc, các đội thuyền dự thi xếp hàng, khi tiếng trống lệnh (lấy từ chùa Trống xuống) giục giã đổ hồi thì các tay chèo thi nhau guồng, những con thuyền lao vun vút như bay, tưởng nhớ lại ngày xưa, dưới sự chỉ huy của bà Khâu Ni, các chiến thuyền của thủy quân Hai Bà Trưng khi xuất trận cũng lao đi vun vút như tên vậy.
Công chúa Khâu Ni – Tả tướng quân vẫn thường hiển linh. Giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, giúp Lê Đại Hành đánh quân Tống. Giúp Trần Thái Tông đánh quân Nguyên. Các sự tích đều có ghi lại và các triều đại trước kia đều có sắc thượng phong.
Đền được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, chất liệu tường gạch, lợp ngói nung. Hướng Bắc. Trong thời kì chiến tranh, Đền bị giặc phá hư hỏng nặng, tới năm 2007 được nhân dân trong vùng công đức để xây dựng lại với tổng diện tích khoảng 700m2, bố cục ngoài cùng là cổng tam quan, phía trong là cung chính thờ đức bà và các quan, trong cùng là nhà bếp.
Hàng năm cứ đến ngày 15/2 Âm lịch (là ngày sinh) hàng năm dân làng lại tổ chức lễ hội, trong lễ hội có tổ chức tế, lễ tại Đền. Trong lễ hội có tổ chức rước nước từ ngã 3 sông về để thờ. Nhân dân tại Bạch Hạc tổ chức lễ tế linh đình để tưởng nhớ công ơn của người nữ tướng đã có công dẹp giặc, ổn định bờ cõi. Tại đền thờ hàng ngày đều mở cửa cho bà con tới thắp hương tưởng nhớ, xin đức Quách Gia Nương phù hộ.
Đền Quách A Nương thờ đức Quách A Nương Đức Sinh Khâu Ni có ý nghĩa tinh thần quan trọng đối với nhân dân Bạch Hạc nói riêng và các địa phương khác nói chung; thể hiện đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, tỏ lòng biết ơn vị tiền nhân đã có công với nhân dân, đất nước.
Đền Quách A Nương đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2009 theo Quyết định số: 384/QĐ-UBND, ngày 23/08/2009 của UBND tỉnh Phú Thọ./.