ĐỀN BÁT NÀN – PHƯỢNG LÂU
Cập nhật ngày: 13/12/2022 09:26
Đền Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương thuộc địa phận thôn Phượng Lâu – xã Phượng Lâu – thành phố Việt Trì – tỉnh Phú Thọ. Di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh năm 2009.

Di tích được gọi theo tên vị thần được thờ là đền thờ “Bát Nàn Đại Tướng Quân”. Thục nương sinh ngày 15 tháng 8 năm Đinh Sửu (năm 17) Công nguyên, ngày khánh hạ vào mùng 10 tháng 3 năm Canh Tý (năm 40) Công nguyên và ngày hóa thân vào 18/3 năm Quý Mão (năm 43) Công nguyên. Người là một trong 6 vị tướng giỏi dưới trướng Hai Bà Trưng được Trưng Nương duyệt quân và phong chức là “Đốc Lĩnh Tiền Môn” (Tướng tiên phong), hậu là Đông Nhung Đại tướng cùng quân dân tế cờ ra trận đi đánh các đồn giặc. Tô Định thất bại chạy trốn về nước. Trưng Vương lên ngôi phong cho Thục Nương là Bát Nàn Đại tướng quân, Trinh Thục Công chúa.

Tương thời, Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục sinh ra và lớn lên ở Trang Phượng Lâu xưa, thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là thôn Phượng Lâu, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Thục Nương xinh đẹp, nhan sắc của nàng được ví như đóa phù dung buổi sáng, lại thông minh lanh lợi, văn võ song toàn, được tôn là “Nữ tiên hạ thế”.

Thời đó, nước ta bị nhà Đông Hán đô hộ, thái thú Tô Định sang cai trị. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương, con huyện trưởng huyện Chu Diên, 2 người đang chờ ngày cưới thì tai họa ập đến. Biết tin Thục Nương là cô gái vẹn toàn, Tô Định cho quân lính bắt cha và chồng chưa cưới vào dinh ép buộc phải gả nàng cho hắn. Bị cự tuyệt, Tô Định tìm cách giết 2 người, sau đó cho quân về lùng bắt Thục Nương. Được dân làng che chở, Thục Nương cùng vài người thân chạy thoát ra sông Hồng rồi lên thuyền xuôi đến vùng đất Đa Cương (tả ngạn sông Hồng), nay thuộc huyện Hưng Hà (Thái Bình) để nương náu.

Tại đây, bà lập căn cứ, chiêu tập binh mã, dựng cờ khởi nghĩa, tự xưng là “Bát Nàn đại tướng quân”, tổ chức cho nhân dân phát triển nông nghiệp, xây dựng lực lượng vững chắc. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã cho người về khuyến dụ hợp sức. Bà đã cùng các tướng lĩnh kéo quân về Mê Linh dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán. Đất nước độc lập không lâu thì đến tháng 4 năm 42 sau Công nguyên, giặc Hán lại đem quân xâm chiếm nước ta, Hai Bà Trưng cùng nhiều tướng sỹ đã hy sinh anh dũng. Sau trận Cẩm Khê thất thủ, Vũ Thị Thục đem quân về cố thủ ở Tiên La trang để tiếp tục kháng chiến. Tháng 8 năm 43 sau Công Nguyên, giặc Hán đem quân đánh căn cứ, nghĩa quân đã chống trả quyết liệt, Vũ Thị Thục đã rút gươm tự tiết tại gò Kim Quy bên dòng sông Tiên Hưng. Ghi nhớ công lao của Bát Nàn tướng quân, nhân dân đã lập Đền thờ để các thế hệ con cháu hương khói, tưởng nhớ nữ tướng anh hùng của dân tộc. Các triều đại sau đều có truy phong bà làm thần:

          -Đời Lê Thánh Tông, sắc phong: Y đức đoan trang Trinh thục công chúa.

          -Đời Minh Mạng nhà Nguyễn sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần.

          -Đời Khải Định sắc phong: Dực Bảo trung hưng linh phù thượng đẳng thần.

Đền nhìn theo hướng Đông - Bắc, phía trước là cây Đa cổ thụ đã được Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam năm 2014. Đền có bố cục mặt bằng hình chữ Nhất (-) với tổng diện tích 45m2. Đền được xây dựng ngay sau khi Nữ tướng Bát Nàn tử trận, ban đầu chỉ bằng tranh, tre, nứa, lá, sau nhân dân dựng lại bằng đá ong, qua thời gian và biến động của lịch sử, kiến trúc Đền đã bị mai một và trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, năm 2007 chính quyền và nhân dân Phượng Lâu đã di chuyển ngôi Đền lui vào phía trong, tu bổ, tôn tạo lại trên vị trí như ngày nay.

Hiện nay trong Đền vẫn còn lưu giữ được các cổ vật như: Ống hoa, mâm bồng bằng gỗ, đĩa men bằng gốm sứ, bát con, bình vôi, bát hương có niên đại từ giữa thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX./.