CỤM DI TÍCH ĐÌNH - MIẾU PHƯỢNG AN
Cập nhật ngày: 12/12/2022 14:41
Di tích được gọi theo tên địa danh là Đình Phượng An, thuộc thôn Phượng An, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Vào thời Nguyễn, thôn Phượng An có tên gọi là thôn Thạch Quả nên đình còn được gọi là đình Thạch Quả.

Đình Phượng An thờ Vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) và các tướng lĩnh thời Hùng Vương: Tản Viên, Quý Minh - những nhân vật lịch sử có sự tích nằm trong hệ thống huyền thoại thời dựng nước;

Đình Phượng An nhìn theo hướng Đông - Nam, có bố cục  mặt bằng hình chữ Nhất(-) gồm một tòa, 3 gian, 2 dĩ với tổng diện tích là 169,12m2, đình được xây dựng vào năm Cảnh Thịnh thứ nhất  - năm 1793, đến năm bảo Đại thứ 12 năm 1936 ngôi đình được trùng tu lớn, đến năm 1987 và những năm sau này ngôi đình đã trải qua một vài lần tu sửa nhỏ như: Đảo ngói, thay dui... Tuy nhiên trải qua thời gian lịch sử đình Phượng An về cơ bản vẫn giữ được phong cách kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ 18, hiện trong đình vẫn giữ được các cổ vật như: Ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Các di vật như: Kiệu bát cống, đồ lễ bộ và bát bửu, hoành phi, câu đối...

 Phần kiến trúc gỗ của đình được chạm trổ, trang trí tinh xảo với kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, đục bong, chạm thủng thể hiện các đề tài chủ đạo: Tiên cưỡi phượng, rồng, rồng ổ, tứ linh ....

Hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội làng vào các ngày: Ngày mồng một tết mở cửa đình khai xuân, ngày mồng 4 tháng giêng tế cầu đinh, cầu tài, ngày mồng 6 tháng 9 là lễ rước thần hiệu về thờ.

 Năm 2007 đình Phượng An được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia./.

Di tích được gọi theo tên địa danh là miếu Phượng An thuộc thôn Phượng An, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì.

Miếu Phượng An thờ thần Dũng Mãnh Hầu đại vương, húy là Dũng, một nhân vật thuộc thời kỳ lịch sử triều Trần. Theo chuyện kể dân gian, vào thời Trần, ở làng Phượng An có hai vợ chồng mở lò luyện Vật, sinh được người con trai tuấn tú đặt tên là Lê Anh Dũng, khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, Lê Anh Dũng đã đứng ra tập hợp quân đánh giặc nhưng do lực mỏng lại gặp tiếp viện của giặc nên toàn bộ lực lượng bị thua, Lê Anh Dũng chạy về tới làng thì chết vì bị thương quá nặng. Nhân dân ghi nhớ công đức nên lập miếu thờ.

Miếu Phượng An nhìn theo hướng Đông - Nam, phía trước là cây si cổ thụ đã được hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2014. Miếu có bố cục  mặt bằng hình chữ Nhất (-) với tổng diện tích 52,08m2. Miếu được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, vào thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 19 - năm 1838, và cũng đã trải qua một vài lần tu sửa nhỏ với kiến trúc cơ bản như hiện nay, hiện trong miếu vẫn giữ được các bức chạm có phong cách nghệ thuật chạm trổ đầu thế kỷ 19 rất có giá trị đó là các bức trạm trên cốn mê, cốn nách, xà rồng với đề tài chủ đạo là rồng bằng kỹ thuật chạm lộng, đục bong, chạm nổi, sơn nâu trên nền gõ.... Trong miếu hiện vẫn còn  lưu giữ được các cổ vật như: Lư hương đất nung có hình khối tứ giác, tay hình rồng uốn và chim phượng và một số hiện vật có chất liệu bằng gỗ.

Ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Các di vật như: Kiệu bát cống, đồ lễ bộ và bát bửu, hoành phi, câu đối...

Hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội làng vào ngày: Ngày mồng mười tháng giêng. Sau phần tổ chức phần lễ theo nghi thức truyền thống là phần hội có thi đấu vật, kéo co, cờ tướng ...

Năm 2007 Miếu  Phượng An được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.