ĐÌNH HƯƠNG TRẦM
Cập nhật ngày: 12/12/2022 15:37
Hương Trầm - tên tục gọi là Kẻ Trầm là một vùng đất ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Tổ. Trong thôn còn tồn tại nhiều địa danh với những cái tên cổ như đồi Núi Rùa, đồi Mã Quàng, Trằm Trương (nay gọi là đầm 82).

Đình Hương Trầm là một trong 4 ngôi đình lớn của xã Dữu Lâu (nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì). Cùng với các ngôi đình khác, đình Hương Trầm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng. Xưa kia làng Hương Trầm có một khu di tích trên đồi cao bao gồm Đình, văn chỉ, đàn thờ Thần Nông. Sau đến năm Tự Đức thứ 5 (1854) chuyển Đình xuống vị trí hiện nay, cách chỗ cũ 300m.

          Ngôi đình được xây dựng ven chân đồi, mặt quay về hướng Đông Nam. Hai mặt phía trước, phía sau và bên trái Đình sát với đường lên xã, phường rất thuận tiện cho việc đi lại và tổ chức rước kiệu truyền thống.

          Trong kháng chiến chống Pháp, Đình được sử dụng làm nơi đóng quân của đại đoàn 312 nổi tiếng. Trong chống Mỹ, Đình lại dùng làm kho đạn và sau làm trụ sở làm việc của UBND xã. Tuy đã trải qua vài lần tu sửa nhỏ nhưng về cơ bản Đình Hương Trầm vẫn giữ được giá trị kiến trúc nghệ thuật đầu thời Nguyễn. Đình kết cấu kiểu chữ Đinh với tổng diện tích 488,2m2 bao gồm 3 gian đại bái và 1 hậu cung.

          Theo cuốn Ngọc phả chữ Hán còn lưu lại tại Đình viết vào tháng 5 năm Tự Đức, đình Hương Trầm thờ tam vị đại vương: Quý Minh đại vương; Quốc Mẫu thánh phi đại vương, Càn Nương Bảo Hoa công chúa đây là các nhân vật thời Hùng Vương thứ 18.

          Cũng như nhiều làng quê khác trên vùng đất Tổ, tín ngưỡng thờ tự các nhân vật thời Hùng Vương được kết hợp chặt chẽ với tín ngưỡng lúa nước của cư dân nông nghiệp. Các hình thức tín ngưỡng này được hòa quyện trong cùng một di tích, một lễ hội và các câu chuyện truyền thuyết được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Trong vùng truyền thuyết kinh đô Văn Lang - Việt Trì thì Hương Trầm được tuyên truyền là vùng trồng lúa nếp thơm nổi tiếng thời Hùng Vương. Nơi đây cung cấp lúa nếp cho Vua, các Lạc Hầu, Lạc Tướng, các mệ nàng và nhân dân trong vùng thổi xôi, làm bánh chưng, bánh giầy đặc biệt trong các dịp tế lễ thần linh. Cũng chính vùng này là nơi sản sinh ra câu chuyện truyền thuyết  "Sự tích bánh chưng, bánh giầy" nổi tiếng, nơi Hoàng tử Lang Liêu làm ra bánh chưng, bánh giầy dâng Vua.

                   Đường đi đến di tích bằng các phương tiện đều thuận lợi:

          - Đường bộ: Đi theo Quốc lộ 2 tới thành phố Việt Trì, đến ngã 3 Gia Cẩm (trung tâm thành phố Việt Trì) rẽ theo đường Trần Phú đi khoảng 4km tới đường Nguyễn Du đi tiếp 1km là tới đình.

          - Đường sắt: Theo tuyến tàu Hà Nội - Lào Cai xuống ga Việt Trì rồi theo chỉ dẫn của đường bộ.

          - Đường thủy: Theo sông Lô đến bến phà Đức Bác - Dữu Lâu đi theo đường Trần Phú 500m tới đường Nguyễn Du đi tiếp 1km là tới Đình.