Giới thiệu về xã Kim Đức
Cập nhật ngày: 30/11/2022 08:08
Xã Kim Đức nằm ở phía Bắc thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố 7km, có diện tích tự nhiên 960,16ha, Trong đó: Đất nông nghiệp: 760,15 ha chiếm 79,16%; Đất phi nông nghiệp: 197,32ha chiếm 20,55%; Đất chưa sử dụng: 0,42 ha chiếm 0,04%. Xã có 9 khu hành chính, hộ 2820 với 10.068 nhân khẩu được phân bổ ở 9 khu dân cư. Đảng bộ xã có 415 đảng viên sinh hoạt ở 14 chi bộ. Trong đó có: 9 chi bộ khu dân cư, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ công an, 01 chi bộ doanh nghiệp

Là một xã có tiềm năng về đất đai, lao động, giao thông thuận tiện, bên cạnh đó xã Kim Đức còn là xã vùng ven của khu di tích lịch sử Đền Hùng, nằm trong định hướng quy hoạch chung của tỉnh và thành phố. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

          Trong những năm qua thực hiện công cuộc đổi mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Đức luôn phát huy truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, qua đó, Kim Đức cơ bản đạt được những kết quả quan trọng về mọi mặt, cơ cấu kinh tế có bước phát triển khá, hệ thống cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền luôn được củng cố, hệ thống chính trị từ xã đến khu dân cư luôn được kiện toàn, phát huy có hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

 Để thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống nhân dân ngày càng đi lên, thời gian tới, Chính quyền và nhân dân xã Kim Đức cùng chung sức đồng lòng, tiếp tục tập chung chỉ đạo, điều hành kịp thời xác định nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện như: Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh và của thành phố để người dân áp dụng trong phát triển các ngành du lịch, khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển công nghiệp - xây dựng. Tổ chức khai thác và thực hiện tốt kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “ Hát Xoan Phú Thọ”. Xây dựng, triển khai đề án phát triển du lịch trên địa bàn xã một cách có hiệu giúp người dân hướng tới phát triển du lịch cộng đồng. Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu đi lại, thăm quan, ăn nghỉ và vui chơi giải trí của du khách góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội của xã góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2022-2023./.

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH THÉT

Đình Thét được xây dựng tại làng Thét (nay thuộc khu hành chính số 8) xã Kim Đức, nằm cách Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng khoảng 5km.

Căn cứ cuốn ngọc phả dầy 10 trang, kích thước 12x21cm được viết bằng chữ Hán trên nền giấy dó, có niên đại Khải Định năm thứ nhất - 1916; 07 đạo sắc phong hiện còn lưu giữ được tại di tích, đồng thời khảo sát phong tục thờ tự ở địa phương và các vùng lân cận, có thể khẳng định đình Thét thờ thần núi và các Vua Hùng. Đó là thần Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn - là 3 vị thần ngự tại 3 ngọn núi thiêng thuộc “Tam sơn cấm địa” là núi Nghĩa Lĩnh, núi Trọc, núi Vặn. Sau này trên Nghĩa Lĩnh (núi Cả) dựng đền thờ các vua Hùng. Ở đây có sự dung hòa giữa tín ngưỡng thờ thần núi và tín ngưỡng thờ tổ tiên - thờ tự các vua Hùng, nên ở những nơi thờ Hùng Vương, trên bài vị thường ghi tên của các vị thần núi. Ở Phú Thọ, có rất nhiều nơi trong vùng người Kinh thờ các vị thần trên. Di tích đình Thét cũng nằm trong hệ thống đó. Căn cứ vào 07 sắc phong hiện còn giữ tại Đình, trong đó sắc phong sớm nhất có niên đại Thiệu Trị nguyên niên - 1846 thì có thể khẳng định di tích được dựng vào đầu thế kỷ XIX. Nhưng qua nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của Hát Xoan - Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại thì đình Thét được ra đời trước đó. Tuy nhiên, ngôi đình đã bị hư hỏng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngôi đình mà chúng ta nhìn thấy ngày nay được phục hồi năm 2003 trên vị trí nền móng cũ.

Hiện nay, đình Thét tọa lạc trên khuôn viên thoáng đẹp với tổng diện tích là 2000m2. Đình quay hướng Bắc. Các phía đều giáp khu dân cư nên thuận lợi cho việc hành lễ của người dân. Nhìn tổng thể, đình Thét có có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh (  (丁 ), gồm 2 tòa: Đại bái và hậu cung. Bộ khung làm bằng bê tông cốt thép, sơn giả gỗ; chân tảng bằng bê tông cốt thép, sơn giả đá. Mái lợp 2 lớp ngói: Ngói lót và ngói mũi.

Tòa đại bái 3 gian 2 chái, gian giữa rộng 3,6m, các gian còn lại rộng 2,7m, có 4 hàng chân cột, các cột đều nhau, có đường kính 0,39m. Bộ vì làm theo kiểu  thượng giá chiêng hạ bảy. Dọc bờ nóc đắp Lưỡng long chầu nhật, thể hiện mong ước của người dân về cuộc sống mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Bốn góc mái tạo đao cong.  

Tòa hậu cung 3 gian 1 chái. Gian trong cùng tạo thượng cung khám thờ, cách mặt nền 2,7m. Toàn bộ thượng cung được bưng ván, tạo cầu thang lên xuống dễ dàng. Trong khám thờ được bài trí: Ngai thờ, lư hương, mâm bồng, đài nước, ống hương, ống hoa... Đình Thét còn lưu giữ được hệ thống di vật cổ vật phong phú: sắc phong, ngọc phả, long ngai, bài vị, áo vua, lư hương,hòm sắc, kiệu bát cống, mâm ấu, mâm bồng…

Tuy mới được phục hồi nhưng đình Thét được tạo dựng theo kiểu dáng kiến trúc truyền thống, cơ bản đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ của ngôi đình làng và là không gian văn hóa để thực hành tín ngưỡng và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, đặc biệt là di sản Hát Xoan. Lễ hội chính của đình Thét được tổ chức vào ngày 3 Tết Nguyên Đán hàng năm. Sáng mùng 3 tổ chức rước kiệu từ Đình ra miếu Lãi Lèn (di tích có liên quan trực tiếp đến hát Xoan), sau đó lại rước trả về Đình. Lễ vật có bánh chưng, bánh giầy và hoa quả. Đặc biệt vào tối ngày mùng 3 Tết có tổ chức hát Xoan tại cửa đình. Trong ngày hội đình Thét còn tổ chức các trò chơi dân gian như cờ tướng, kéo co, múa lân sư, làm bánh chưng, bánh giầy…

Năm 2009, đình Thét xã Kim Đức, thành phố Việt Trì được UBND tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (tại quyết định 4704/QĐ-UBND, ngày 29/12/2009).

ĐÌNH KIM ĐÁI, XÃ KIM ĐỨC

Kim Đái là một làng cổ nằm trên địa bàn Kinh đô Văn Lang - trung tâm nước Văn Lang thời kỳ các Vua Hùng dựng nước, bởi vậy, lịch sử hình thành và thờ tự của hệ thống di tích nơi đây gắn liền với thời đại của các Vua Hùng dựng nước. Cùng với miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình An Thái, đình Kim Đái là một trong những di tích - Không gian văn hóa tiêu biểu của vùng đất Tổ Phú Thọ gắn liền với hai di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại: “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.

Đình Kim Đái thờ phụng Hùng Vương, được dân gian truyền gọi bằng các mỹ tự: Viễn Sơn đại vương, Ất Sơn đại vương và Áp Đạo quan đại vương. Ba vị có công dạy dân trồng cấy, chăn nuôi, che chở cho muôn dân có được cuộc sống yên bình.

Hiện nay, đình Kim Đái không còn lưu giữ được tài liệu Hán Nôm “Thần tích” ghi chép về lịch sử, hành trạng các vị thần được thờ tại di tích. Trên cơ sở các tài liệu Hán Nôm hiện có trong di tích: Sắc phong được phục chế trên cơ sở nội dung Sắc phong được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, trong đó có ghi các tước hiệu, mỹ tự của Hùng Vương được triều đình phong kiến nhà Nguyễn phong tặng trên cơ sở kế thừa các triều đình phong kiến phong tặng (chủ yếu từ thế kỷ XV trở về sau). Đặc biệt là truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương dựng nước được lưu truyền ở làng Kim Đái nói riêng, các làng thuộc thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao nói chung và các tư liệu ghi chép về đình Kim Đái, do các bậc cao niên làng Kim Đái biên soạn; có thể tóm lược lịch sử vị thần được thờ tại đình làng Kim Đái như sau:

Theo truyền thuyết kể lại, xa xưa trước khi Lân Lang, người con cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ định đô tại đất Phong Châu, dựng nên nhà nước Văn Lang, ở vùng đất đó đã có người dân sinh sống, được gọi là kẻ Đơi (làng Kim Đái, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì).

Khi Lân Lang định đô tại đất Phong Châu, dựng nên nhà nước Văn Lang, hiệu là Hùng Quốc Vương. Hùng Quốc Vương ổn định triều đình, cử các em và các con đi trấn giữ các nơi. Miền Đông Bắc kinh đô Phong Châu, sát với kinh đô, lại là nơi rừng núi trùng điệp, hiểm trở, Hùng Quốc Vương giao cho người con cả là Viễn Lang vừa tài văn võ, lại là người tin cậy nhất trấn giữ. Phụ giúp cho Viễn Lang, Hùng Quốc Vương cử thêm hai người con nữa là Ất Lang và Cao Lang đi cùng. Ba anh em Viễn Lang đi đến kẻ Đơi, thấy nơi đây rừng núi trùng điệp, hiểm yếu, có 3 vòng thủy bao bọc như ba bức thủy thành, thế đất rất có lợi cho quân sự nên 3 anh em đã chọn kẻ Đơi để đặt bản doanh của mình. Ba anh em Viễn Lang ổn định căn cứ trấn giữ, thu thập thêm dân cư quanh vùng, lập nên làng xóm. Ba ông còn dạy dân khai phá đất hoang để trồng trọt, cấy lúa, dạy dân bắt thú hoang về thuần hóa để chăn nuôi… Cuộc sống của dân làng ngày càng no đủ, người dân yên vui. Hùng Quốc Vương già yếu qua đời, truyền ngôi cho Viễn Lang, Viễn Lang kế ngôi lấy hiệu là Hùng Mỹ Vương. Khi Hùng Mỹ Vương và Ất Lang, Cao Lang băng hà, người dân vô cùng thương tiếc, để tưởng nhớ công ơn đã cho làm nhà để thờ phụng. Nơi thờ tự ấy được làm tại khuôn viên ngôi đình Kim Đái hiện nay. Duệ hiệu của 3 vị được tôn thờ là Viễn Sơn đại vương, Ất Sơn đại vương và Áp Đạo quan đại vương lưu truyền đến ngày nay đình Kim Đái vẫn phụng thờ.

Đình Kim Đái hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) như: Ngai thờ, lư hương gốm da lươn, đẳng thờ, bảng chúc, mâm bồng, nến phao…cùng hệ thống hiện vật: bẩy đạo Sắc phong phục chế, trong đó, đạo Sắc phong có niên đại sớm nhất “Thiệu Trị lục niên, thập nhất nguyệt, thập thất nhật” - Thiệu Trị năm thứ 6 -1846, ngày 17 tháng 11.

Như vậy, trên cơ sở các tài liệu lịch sử, tài liệu Hán Nôm, tư liệu điều tra, khảo sát, các cổ vật hiện còn lưu giữ tại di tích, ta có thể đoán định tương đối lịch sử xây dựng, tồn tại của đình Kim Đái: Ngôi đình được tạo dựng từ rất lâu trong lịch sử, ít nhất phải vào thế kỷ XVIII, trải qua thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thiên nhiên, đã nhiều lần bị hư hỏng, được tu sửa kiến trúc vào năm 2015 - 2016. Ngôi đình làng Kim Đái được đại trùng tu, tôn tạo, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử tồn tại, phát triển, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người dân làng vùng quê Kim Đái.

Nhìn về khởi thủy, đình Kim Đái vốn được cộng động dân cư tạo lập từ hàng trăm năm. Không nằm ngoài quy luật lịch sử chung của các công trình kiến trúc cổ, đình Kim Đái cũng đã được tạo dựng qua 2 giai đoạn. Từ thế kỷ thứ X trở về trước, đình Kim Đái cũng như hầu hết các nơi thờ tự (đình, đền, miếu) gần như được tạo lập bằng tranh tre, nứa lá. Kể từ triều Lý trở đi, nhất là dưới triều đại nhà Lê (thế kỷ XV), dưới sự cho phép của chính quyền hàng tổng và triều đình, cộng đồng dân cư xây dựng nơi thờ tự (cả về mặt khuôn dạng kiến trúc lẫn bài trí nội thất) một cách bề thế với kiểu kiến trúc chữ Đinh, gồm đại bái 3 gian 2 dĩ và hậu cung 2 gian, kết cấu bộ khung đình bằng gỗ với 6 hàng chân cột, mái lợp ngói âm, đi kèm với kỳ tiệc lệ linh thiêng, náo nhiệt.

Trải qua thời gian dài biến thiên của lịch sử, nhiều lần giặc giã, đình Kim Đái bị phá hoại lần nào thì sau đó cũng được dân làng dựng lại nơi nền đình cũ làm nơi thờ phụng. Năm 1949, kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Kim Đái bị đốt cháy cùng toàn bộ đồ thờ, sắc phong, kiệu bát cống… Năm 1955 - 1956, dân làng dựng lại ngôi đình để thờ phụng, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở địa phương. Do hoàn cảnh và điều kiện kinh tế, đình Kim Đái được phục hồi quy mô nhỏ hơn và sơ sài về kiến trúc.

Năm 2014, thực hiện Chương trình hành động số 382/CTr- UBND ngày 13/02/2012 về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2012 - 2015), đưa “Hát Xoan Phú Thọ” ra khỏi tình trạng khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2952/QĐ-UBND duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích đình làng Kim Đái. Thời gian thực hiện từ 2015 - 2016 với nội dung tu bổ, tôn tạo tòa Đại đình, Tả vu, Hữu vu, Lầu hóa vàng, Nghi môn và các hạng mục phụ trợ (sân, tường rào, nhà vệ sinh) trên tổng diện tích 2.150m2. Tháng 12/2016, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đình Kim Đái đã được tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh tòa Đại đình, Nghi môn, Tả vu, Hữu vu, cải tạo Giếng đình, xây dựng Nhà che giếng và các hạng mục công trình phụ trợ đảm bảo đáp ứng một cách tích cực nhất nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng hiện tại và lâu dài.

Gắn liền với di tích đình Kim Đái là các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay trong một năm đình Kim Đái duy trì 07 kỳ tiệc lệ: Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán; Ngày mùng 7 tháng Giêng; Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch; ngày 25 tháng 5; ngày 25 tháng 10; Ngày 12 tháng 9 và ngày 15 tháng Chạp. trong đó ngày 12/9 là ngày đại tiệc của đình.

Việc tổ chưc lễ hội truyền thống đình Kim Đái, với các hoạt động nghi lễ, văn hóa dân gian nhắc nhở mọi thế hệ hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức đối với người đã có công với dân với nước. Thông qua các hoạt động của lễ hội làm cho người dân Kim Đức gắn bó mật thiết với nhau hơn. Đó cũng là dịp để mọi người cộng cảm, nhất là thế hệ trẻ lại có dịp để tìm hiểu, tưởng nhớ công lao, bày tỏ lòng tôn kính với vị thần của làng mình. Từ đó mỗi người đều có ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Đình Kim Đái là công trình kiến trúc tín ngưỡng giữ vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư sở tại. Di tích là một trong hệ thống 345 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Lịch sử thờ tự của đình Kim Đái là sự tiếp nối truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tổ tiên, tưởng nhớ công lao của những người có công với dân với nước.

Ngày mùng 10 tháng 3 năm 2017, UBND tỉnh phú thọ đã ra QĐ số 500 về việc, xếp hạng di tích LS - VH cấp tỉnh, đình Kim Đái, đây là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đối với đảng bộ chính quyền và các tầng lớp nhân dân xã Kim Đức. Đồng thời là trách nhiệm của cán bộ cùng toàn thể nhân dân, trong việc tiếp nối truyền thống đoàn kết, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, chung tay xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, nhân dân có đời sống ấm no hạnh phúc.

MIẾU LÃI LÈN

Nhắc đến miếu Lãi Lèn là chúng ta lại được quay trở về với truyền thuyết dân gian gắn liền với huyền thoại vua Hùng đi tìm đất xây thành “ba anh em vua Hùng đi qua thôn Phù Đức vào buổi trưa và nghỉ lại ở một khu rừng gần thôn. Từ trong rừng các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt thấy lũ mục đồng vừa chơi vừa hát, chỗ thì đánh vật, chỗ thì kéo co, thấy vậy Đức Thánh Cả liền bảo bọn tùy tùng đem một số điệu hát dạy thêm cho lũ trẻ những bài hát xướng, cầu chúc năm mới”. Thế là câu chuyện về Hát Xoan được sinh ra từ đó, các họ Xoan đều coi ngôi miếu này là nơi phát tích của hát Xoan. Nơi mà các vua Hùng đã từng truyền dạy điệu hát Xoan cho thôn dân, và được người dân gọi là hát Lãi Lèn… phải chăng hát tại miếu Lãi Lèn thì gọi là hát Lãi Lèn, và vì sao lại xuất hiện từ thuần Việt, hay nói đúng hơn là từ Việt Cổ “Lãi Lèn” có lẽ là vì xuất phát từ từ khóa “Lễ Lên” trong cách diễn xướng của Xoan cổ (xuất hiện trong 14 quả cách tại bản Xoan gốc chữ Nôm có niên đại 1840), sau này biến âm đi hát thành “Len là len..hỡi là len”. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tại Quyết định số 437/QĐ-UBND ngày 30/11/2011 của UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt cho phép khôi phục miếu Lãi Lèn. Miếu Lãi Lèn được khôi phục trên nền móng cũ tại gò đất giữa đồng thuộc thôn Phù Đức xã Kim Đức nhìn quay theo hướng Đông Nam. Qua khoảng sân miếu rộng khoảng 200m2, khoảng rộng phù hợp với khuôn viên tổ chức lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng hàng năm. Đứng tại sân miếu ngắm tổng thể kiến trúc di tích ta thấy tòa tiền tế bề thế gồm 3 gian 2 dĩ, nền miếu được giật cấp cao hơn sân khoảng 0,50m, ta nhìn thấy sự thông thoáng của một ngôi miếu phục dựng theo phong cách truyền thống, với 4 hàng chân cột chạy song song, thượng thu hạ thách như từ đất mọc lên, vững vàng đỡ lấy mái miếu xòe rộng lan xuống thấp và cong dần lên. Kết hợp với đường cong của mũi ngói từ nóc miếu đến giữa uốn nhẹ và khi gần kết thúc nó lại lượn vút lên ăn khớp với đường mũi ngói mái bên cạnh vừa chạy tới, vươn cao thành đao miếu cong vút mập mạp mang đầy sức sống. Bốn mái đao cong, chạy cùng đường cong là các đường gờ, đường soi của lá mái, lá diềm lượn cùng nhịp độ. Bờ nóc miếu với kiến trúc tạo hình của những con giống như vẫn còn ghi dấu về tục thờ mặt trời của cư dân làm lúa nước. Đó là hình đôi rồng từ 2 đầu bò xoải vào chầu mặt trời, bờ giải được đắp trơn gần xuống tới đao đình mới có rồng ghìm đao lại. Kiến trúc miếu Lãi Lèn được làm theo kết cấu kiến trúc truyền thống kiểu chữ Đinh (J) gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế gồm 5 gian, 2 dĩ bít đốc, chiều dài tổng thể 18,4m x rộng 6,62m; gian giữa cách đều nhau 3,2m, các gian cạnh cách đều 2,67m; các gian dĩ cách đều nhau 1,6m. Kết cấu kiến trúc bộ khung tiền tế miếu Lãi Lèn được làm đúng theo truyền thống, theo kiểu nhà truyền thống lòng thuyền, thượng thu hạ thách. Các bộ vì gian giữa, gian cạnh đều được làm theo kiểu chồng bồn kẻ nghé,  các cốn đều được chạm khắc đề tài tứ linh . Miếu Lãi Lèn được làm theo kiểu miếu cổ truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ 4 hàng chân cột có 3 loại cột: Cột cái, cột quân, cột hiên, với tổng số 48 cột gỗ, các cột đều được làm từ gỗ lim. Hậu cung miếu Lãi Lèn được làm 3 gian, một dĩ với chiều dài hậu cung dài 10,75m x rộng 6,4m. Các bộ vì hậu cung được làm theo kiểu chồng rường cốn mê. Trên cốn mê hoặc cốn nách đều được chạm khắc hổ phù. Nền miếu Lãi Lèn được lát gạch bát cổ sạch sẽ. Từ nền miếu tới xà nóc (thượng lương) là 4,9m. Toàn bộ các cột được kê trên đá xanh đã được các nghệ nhân chế tác, nổi trên nền đình 0,10m so với mặt nền để chống ẩm và tránh cho các vi sinh vật ăn tiêu tâm cột sau này. Các cột, xà ngang, dọc được ăn khớp với nhau. Có thể nói khung miếu Lãi Lèn là sự liên kết tài tình của các nhóm gỗ, chủ yếu là gỗ lim và táu mật, chỉ có mộng, mẹo, không cần sự tham gia của bất cứ một kim loại nào. Đầu cột được giằng với nhau bằng những quá giang, những xà, những kẻ. Sự liên kết đó được thực hiện bằng các mộng, mộng chéo, mộng đuôi, mộng cá, mộng kép…chúng tự hãm lấy nhau rất chặt chẽ tạo ra sự cân bằng tuyệt đối khiến cho ngôi miếu khỏe khoắn vững vàng. Lối cấu trúc này khi trùng tu hoặc cần thay đổi một bộ phận nào đó có thể tháo rất dễ dàng và khi chờ lắp cấu kiện mới vẫn không ảnh hưởng gì tới sự vững chắc của di tích. Tóm lại miếu Lãi Lèn có qui mô kiến trúc không quá đồ sộ, nhưng không gian nội thất thoáng mát, hài hòa ấm cúng. Các cấu kiện chi tiết kiến trúc của miếu được làm chủ yếu bằng vật liệu gỗ tốt và được gia cố cẩn thận, mực thước chính xác đến tuyệt đối. Xung quanh được xây tường gạch chỉ và bít đốc, phía trước là bộ cửa bức bàn ngồi trên ngưỡng vững chắc và an toàn cho di tích.

Công trình nhà trưng bày nghệ thuật hát Xoan là nơi giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế đầy đủ nhất những hình ảnh hát Xoan xưa và nay của bốn phường Xoan gốc, giới thiệu các trang phục, đạo cụ, bài bản, lề lối, cách thức trình diễn của loại hình nghệ thuật độc đáo này trước khi bước vào thắp nén tâm nhang, chiêm bái ngôi miếu chính và đích mục sở thị xem các nghệ nhân của phường Xoan gốc trình diễn. Tổng thể công trình di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Lãi Lèn hoàn thành sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc biệt là giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ.  

Năm 2022, Miếu Lãi Lèn xã Kim Đức, thành phố Việt Trì được UBND tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (tại quyết định 1679/QĐ-UBND, ngày 22/06/2022).

UBND xã Kim Đức