Đổi mới giáo dục toàn diện và thực chất
Cập nhật ngày: 18/11/2022 09:55
Năm học qua, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, kiên trì, nhẫn nại vượt qua khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Trì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả rất trân trọng. Học sinh Việt Trì ở các cấp học đã giành hơn 3.150 giải thưởng tại nhiều cuộc thi từ cấp thành phố đến cấp quốc gia ; tỷ lệ học sinh dự thi đỗ vào các trường THPT công lập đạt 70,48%; tỷ lệ học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 THPT công lập 1729/3988 (43,35%). Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng cấp trên khen thưởng như: Huân chương Lao động hạng Nhất (trường THCS Văn Lang), cờ thi đua của Chính phủ (trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng), bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (trường Tiểu học Thọ Sơn), cờ thi đua của UBND Tỉnh (trường THCS Văn Lang, trường Tiểu học Tân Dân); 108 tập thể đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến, 244 thầy, cô giáo đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Là trung tâm của tỉnh Phú Thọ, thành phố Việt Trì hiện có 97 cơ sở giáo dục, trong đó có: 23 trường Trung học cơ sở, 26 trường Tiểu học, 47 trường Mầm non, 01 Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật. Ngoài ra còn 28 cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc quản lý của phường, xã. Thực hiện mục tiêu “tạo môi trường học tập tốt, xây dựng nền giáo dục thực chất”, năm học qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố luôn duy trì tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; trong đó chú trọng việc bảo đảm chương trình học, trường lớp, chăm lo đời sống cho giáo viên.

Toàn thành phố hiện có 2.205 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên biên chế, 99,2% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật GD 2019. Tuy nhiên, vẫn có một số trường có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp như: Mầm non Tân Đức: 0,89 giáo viên/lớp; Mầm non Bạch Hạc: 1,09 giáo viên /lớp; Tiểu học Thụy Vân: 1,15 giáo viên /lớp, TH Đinh Tiên Hoàng: 1,19 giáo viên /lớp... Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tạo nhiều cơ chế để các trường chủ động hợp đồng ngay từ đầu năm học; thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được sửa chữa, cải tạo thường xuyên. Chỉ tính riêng trong năm học 2021 – 2022, toàn thành phố đã huy động 48,669 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới hơn 1.600 phòng học, phòng chức năng và nhà lớp học, công trình phụ trợ, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên 98,15%. 100% giáo viên có đủ SGK, sách giáo viên phục vụ giảng dạy, 100% học sinh có đủ SGK phục vụ học tập theo chương trình đổi mới. Các chính sách miễn, giảm học phí được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, đã có hơn 600 học sinh được miễn, giảm học phí, 467 em được hỗ trợ chi phí học tập...

Với mục tiêu “tạo môi trường học tập tốt, xây dựng nền giáo dục thực chất”, trên cơ sở bảo đảm chương trình học, trường lớp, chăm lo đời sống cho giáo viên, Thành phố đẩy mạnh đổi mới toàn diện chất lượng dạy và học. Để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn, Phòng GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán cấp tiểu học và THCS và thực hiện cách ly trong công tác ra đề khảo sát, đề thi chọn học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Qua đó, năng lực chuyên môn của cán bộ, giáo viên được nâng lên; việc kiểm tra, khảo sát chất lượng giáo dục của các đơn vị và toàn Thành phố được chủ động hơn, kết quả đánh giá bám sát thực tế và khách quan. 

Ở bậc mầm non, chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" được duy trì triển khai song song các hoạt động tích hợp khác, chú trọng đến việc rèn kỹ năng cho trẻ; quan tâm tạo điều kiện để trẻ phát triển ngôn ngữ ở mọi nơi mọi lúc, phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, đặc biệt là khả năng tự tin, sử dụng ngôn ngữ mạch lạc, biểu cảm. Ở bậc tiểu học và Trung học cơ sở, các trường học đã linh hoạt triển khai khá hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 và lớp 2, chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học. Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức, rèn luyện phẩm chất cũng được các Nhà trường quan tâm, đổi mới về phương thức; trong đó đặc biệt chú trọng tới tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, hoạt động nghề phổ thông, giáo dục giá trị sống, giáo dục kỹ năng sống qua chương trình học chính khoá và ngoại khoá.

Nhằm tăng hiệu quả trong công tác dạy và học cũng như công tác quản lý giáo dục – đào tạo, Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố đã chỉ đạo tất cả các trường học trực thuộc tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hồ sơ điện tử (Học bạ, Sổ theo dõi và đánh giá học sinh); đồng bộ và chuẩn hóa số liệu cơ sở dữ liệu ngành; ứng dụng các phần mềm, tiện ích phù hợp để dạy học trực tuyến trong tình hình dịch COVID -19 diễn biết phức tạp... Ưu tiên triển khai dịch vụ trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản điện tử IOFFICE, liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa tất cả các cơ sở giáo dục với các cấp quản lý. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông; hiện 100% các trường (cả tư thục) đã có website riêng, có trưởng ban biên tập và có người quản trị website. Ngoài ra, các đơn vị đã sử dụng đa dạng hóa các nền tảng mạng xã hội một cách hiệu quả để quảng bá hình ảnh nhà trường (các hoạt động của nhà trường, công văn, tài liệu, bài viết, tin tức...) theo đúng nguyên tắc sử dụng không gian mạng.

Năm học 2022 – 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông; Duy trì quy mô, mạng lưới trường, lớp ổn định, tạo điều kiện để phát triển hệ thống trường ngoài công lập, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa trường công và trường tư, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục; Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên đảm bảo cơ cấu, số lượng; Tổ chức kiểm tra, khảo sát đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên; bồi dưỡng nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Phòng sẽ chỉ đạo các Nhà trường tăng cường kiểm tra, giám sát các cuộc thi, các đợt kiểm tra định kỳ đảm bảo công bằng, khách quan để thi đua thực chất, trung thực, nói thật, làm thật và chấm điểm thật dựa trên các tiêu chí thật, có những thước đo thành tích đúng cho từng cấp, từng lớp, từng môn, từng tiết, từng học sinh cụ thể để có sự thi đua đúng nghĩa”. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS, tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh. Định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo học các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường học… Tin tưởng rằng, đây sẽ là những giải pháp hữu hiệu để Việt Trì tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã và đang có, xứng đáng là đơn vị dẫn đầu tỉnh về Giáo dục và Đào tạo, góp phần xây dựng nhân tài, đưa thành phố phát triển bền vững./.

 

                                           

Đào Mạnh Thắng ( Trưởng phòng GD&ĐT Việt Trì )