Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Dương Hoàng Hương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Lâm -TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Tiếp và làm viêc với Đoàn giám sát về phía thành phố có đồng chí Nguyễn Mạnh Sơn - Ủy viên BTV, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Ngọc Sơn- Tỉnh ủy viên, Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đặng Trần Minh- Phó bí thư thường trực Thành ủy.
Trong những năm qua, thực hiện các chính sách, pháp luật về GD&ĐT và Quy hoạch phát triển GD&ĐT của tỉnh giai đoạn 2016-2020, sự nghiệp GD&ĐT của thành phố Việt Trì tiếp tục có sự phát triển rõ nét về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, quy mô, mạng lưới trường, lớp học ổn định; hệ thống trường ngoài công lập tiếp tục tăng lên, đến nay, toàn thành phố có 23 trường ngoài công lập. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, trong giai đoạn 2017-2021, thành phố đã thực hiện 93 dự án sử dụng vốn đầu tư công, với tổng số vốn trên 470,3 tỉ đồng. Tổng kinh phí huy động xã hội hóa trong lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2017-2021 đạt trên 137,1 tỷ đồng. Đến nay, 100% các trường công lập đạt chuẩn Quốc gia. 100% giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được đánh giá đạt chuẩn nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng, đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục duy trì và phát triển, chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện chính sách pháp luật về GD&ĐT và Quy hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2016-2020 của thành phố Việt Trì còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Nổi lên đó là quy mô trường, lớp của một số xã, phường chưa hợp lý; một số trường ở trung tâm thành phố có số lớp, sĩ số học sinh vượt quy định, trong khi một số trường vùng ven số lớp và tỉ lệ học sinh/lớp còn thấp. Giáo viên hợp đồng tại các trường tiểu học và THCS chỉ thực hiện hợp đồng và trả lương, đóng Bảo hiểm xã hội 9 tháng/năm, các tháng hè bị gián đoạn nên khi vào năm học mới các trường khó hợp đồng giáo viên hoặc giáo viên bỏ việc...Thành phố Việt Trì cũng đề nghị HĐND tỉnh xem xét tăng mức hỗ trợ ngân sách cho giáo viên hợp đồng trường mầm non; hướng dẫn cụ thể việc chi trả lương, bảo hiểm và chế độ phụ cấp đối với giáo viên hợp đồng; giao bổ sung biên chế đối với giáo viên tiểu học THCS để đảm bảo tỉ lệ giáo viên đứng lớp, đồng bộ cơ cấu bộ môn...
Tại buổi giám sát, các thành viên của Đoàn đã trao đổi, đề nghị lãnh đạo thành phố làm rõ thêm một số nội dung Đoàn quan tâm như: Tiến độ chương trình đổi mới sách giáo khoa, lựa chọn sách giáo khoa; một bộ sách giao khoa có thể dùng trong nhiều năm học được không; công tác xã hội hóa GD&ĐT, lĩnh vực được thực hiện xã hội hóa.
Thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị lãnh đạo thành phố Việt Trì làm rõ thêm công tác quản lý các Trung tâm ngoại ngữ, các nhóm trẻ mầm non tư thục; việc dạy thêm, học thêm cũng như việc quản lý thu, chi trong các cơ sở giáo dục.
Sau khi nghe báo cáo, các ý kiến phát biểu, kết luận buổi giám sát, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố Việt Trì trong thực hiện thực hiện chính sách, pháp luật về GD&ĐT và Quy hoạch phát triển GD&ĐT của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đồng chí khẳng định, việc tiến hành giám sát nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những vấn đề còn bất cập trong thực hiện chính sách, phát luật cũng như vấn đề quy hoạch phát triển giáo dục để HĐND tỉnh có những điều chỉnh phù hợp giúp cho lĩnh vực GD&ĐT phát triển vững chắc trong những giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện tốt chính sách pháp luật về GD&ĐT, trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, thành phố Việt Trì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nhận thức từ gia đình đến các cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện đổi mới GD&ĐT và thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục. Trong thực hiện quy hoạch phát triển GD&ĐT, thành phố Việt Trì cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, chuyên môn tốt; thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ, giáo viên tạo sự phát triển đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các khu vực vùng ven và trung tâm thành phố.
Để giảm áp lực cho Nhà nước, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, thành phố Việt Trì cân nhắc thực hiện thí điểm cho một số cơ sở giáo dục công lập thực hiện tự chủ về tài chính; tiến hành rà soát lại hệ thống trường, lớp học, xem xét không tăng đội ngũ giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập mà mở rộng phát triển giáo dục ngoài công lập.