Dấu ấn của truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đổi mới
Cập nhật ngày: 06/06/2022 09:26
Việt Trì - “Thành phố ngã ba sông” là nơi phát tích, cội nguồn của dân tộc, kinh đô của Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý thuận lợi, người dân cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất mà quả cảm, quật cường trước các thế lực ngoại xâm bạo ngược, trong thời điểm miền Bắc đang dồn sức thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ngày 4/6/1962, thành phố Việt Trì chính thức được thành lập. Niềm tự hào là thành phố công nghiệp đầu tiên của miền Bắc XHCN cùng những thành tựu vẻ vang đã đạt được trong suốt sáu thập niên qua đã tạo động lực, nhân lên niềm tin, sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vững tin phát huy truyền thống đoàn kết, tư duy sáng tạo, đổi mới, chung sức xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại.

Ngược dòng lịch sử, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Trì là một làng nằm trong Tổng Lâu Thượng thuộc huyện Hạc Trì. Không cam chịu ách thống trị tàn bạo, bất công của chính quyền thực dân phong kiến, nhân dân Việt Trì đã liên tục đứng lên đấu tranh, tham gia các cuộc nổi dậy của các sỹ phu yêu nước trong các phong trào kháng Pháp. Tại Bạch Hạc, từ năm 1930 đã hình thành một tổ chức quần chúng của Đảng là Nông hội đỏ. Cuối năm 1939, Chi bộ Đảng Bạch Hạc - Việt Trì (tiền thân của Đảng bộ thành phố ngày nay) ra đời lãnh đạo phong trào cách mạng ở Bạch Hạc, Việt Trì ngày càng phát triển, lan tỏa mạnh mẽ, hợp sức cùng với cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đất nước độc lập, tự do chưa được bao lâu thì Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Cùng với cả nước, đông đảo nhân dân Việt Trì đã đồng lòng đứng lên kháng chiến theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Vượt lên những khó khăn, gian khổ chồng chất, Đảng bộ, chính quyền đã lãnh đạo nhân dân Việt Trì bền gan kháng chiến, kiến quốc, tích cực cùng nhân dân cả nước viết nên bản anh hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ.

Miền Bắc sạch bóng quân thù, hòa bình lập lại, với tầm nhìn chiến lược về phục hồi, phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương lớn vững chắc, tháng 2/1955, thị trấn Việt Trì được thành lập. Sau khi sáp nhập thêm xã Phong Châu - Bạch Hạc, tháng 6/1957 thị trấn Việt Trì chuyển thành thị xã Việt Trì. Được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm điểm xây dựng Khu công nghiệp, ngày 28/11/1958, đồng chí Lê Thanh Nghị- Phó Thủ tướng Chính phủ đặt nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì.

Sau hơn ba năm khẩn trương xây dựng, ngày 18/3/1962, Khu công nghiệp đã hoàn thành đi vào hoạt động. Trên cơ sở đó ngày 4/6/1962, Chính phủ đã ra Quyết định thành lập thành phố Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ. Đây là mốc son lịch sử, mở hướng triển vọng cho sự nghiệp phát triển toàn diện của thành phố để đến năm 1968, Việt Trì đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ.

Tự hào là thành phố công nghiệp đầu tiên của miền Bắc XHCN, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Việt Trì đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt khó, vừa tập trung sản xuất, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam vừa kiên cường phục vụ chiến đấu và chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ. Thực hiện “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Trì đã nô nức tòng quân tham gia chiến đấu trên các chiến trường, góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông liền một dải…

Đất nước hòa bình, bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy cao độ truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, đổi mới, tập trung nguồn lực chung tay xây dựng thành phố Việt Trì khang trang với hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ, hiện đại. Năm 2012, thành phố Việt Trì đã được công nhận là đô thị loại I (sớm hơn 3 năm so kế hoạch).

Với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ; một trong những trung tâm vùng của cả nước, những năm qua, Việt Trì đã tập trung đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao trình độ, trách nhiệm và nếp sống của nhân dân; khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tập trung thực hiện ba khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhờ đó, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của thành phố phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, bình quân cả giai đoạn 2015-2020 đạt 9,64%/năm. Năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, kinh tế-xã hội thành phố vẫn tiếp tục có những bước phát triển vững chắc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.215 tỉ đồng, bằng 112,2% kế hoạch năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn do thành phố thực hiện đạt 1.029,73 tỉ đồng (kế hoạch 1.000 tỉ đồng trở lên). Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,53%… Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Hạ tầng đô thị thành phố được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Diện mạo thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp; ý thức chấp hành quy chế quản lý đô thị và các quy định về nếp sống văn hóa tại các khu dân cư ngày càng được nâng lên và đi vào nền nếp. Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình lớn có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo điểm nhấn đô thị; tích cực thực hiện lộ trình xây dựng Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tăng cường xây dựng Đô thị văn minh văn hóa gắn với bảo tồn, duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ; đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”… Chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng bộ thành phố liên tục nhiều năm được đánh giá là đơn vị trong sạch vững mạnh; thường xuyên chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của cấp ủy cấp trên. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về công tác xây dựng Đảng; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,… Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên; xuất hiện ngày càng nhiều những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến với những cách làm hay, sáng tạo, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong học tập và làm theo Bác, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ. Ngành giáo dục đào tạo thành phố luôn là một trong những lá cờ đầu của toàn tỉnh. Các hoạt động văn hóa thông tin, thể thao được quan tâm chỉ đạo sâu rộng. Chú trọng quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, nhất là thiết chế văn hóa khu dân cư; nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa thông tin trên địa bàn. Công tác y tế, dân số, đảm bảo đời sống, lao động, việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được duy trì nền nếp; góp phần giải quyết tốt những vướng mắc, phát sinh từ cơ sở; tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân...

Ghi nhận những kết quả và thành tích của thành phố trong suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Đảng bộ và nhân dân thành phố Việt Trì nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Độc lập các hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều năm được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành… Đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, thành phố Việt Trì vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Xác định mục tiêu xây dựng thành phố Việt Trì phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, Đại hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp chủ yếu: Phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế theo hướng bền vững, lấy phát triển thương mại dịch vụ là động lực, phấn đấu tốc độ tăng giá trị tăng thêm bình quân đạt từ 8% trở lên; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh hiện đại; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng từ thành phố đến cơ sở gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng hoạt động, công tác chỉ đạo điều hành của HĐND và UBND các cấp đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các cấp chính quyền. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở.

Mới đây, Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2040 với mục tiêu nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Xây dựng đô thị Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, hiện đại đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống cốt lõi, thúc đẩy hoạt động kinh tế hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, bền vững và hội nhập với khu vực và quốc tế; Việt Trì là thành phố du lịch văn hóa lịch sử Quốc gia, nơi lưu giữ những giá trị di sản cội nguồn dân tộc Việt Nam…

Niềm tự hào là kinh đô Văn Lang thời đại Hùng Vương dựng nước, thành phố công nghiệp đầu tiên của miền Bắc XHCN với những thành tựu vẻ vang suốt hành trình 60 năm qua sẽ cộng hưởng, tạo động lực mạnh mẽ, nhân lên niềm tin, sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tư duy sáng tạo, đổi mới, khát vọng phát triển thịnh vượng, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ XXI đã đề ra, viết tiếp những trang sử vàng vẻ vang trong thời đại mới.

 

Nguyễn Mạnh Sơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Việt Trì, Chủ tịch HĐND thành phố.