Viết tiếp “Thiên sử vàng”
Cập nhật ngày: 07/05/2021 09:07
Trong “chín năm làm một Điện Biên” cả dân tộc ta cùng ra trận. Đảng bộ, chính quyền, toàn quân và nhân dân Phú Thọ chung một quyết tâm kháng chiến, góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” trong lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc. Ngày 7/5/1954 mãi mãi là một mốc son lịch sử chói lọi, là bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam.

Góp sức người, sức của cho tiền tuyến

Lật giở từng trang ghi lại hồi ức khi tham gia chiến đấu trong 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Bùi Công Trứ, 88 tuổi, ở phường Vân Phú, thành phố Việt Trì  vẫn nhớ như in những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” trong chiến dịch. Là chiến sĩ quân y thuộc Tiểu đoàn 154, Trung đoàn 29, Đại đoàn 312, ông Trứ vinh dự được tham gia nhiều trận đấu oanh liệt, trong đó có trận chiến đồi D1 kéo dài hàng chục ngày. Ông Trứ cùng nhiều chiến sĩ Đất Tổ khác đã tham gia kéo pháo vào trận địa theo chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; trực tiếp có mặt trong giờ phút chiến thắng chiều ngày 7/5/1954 khi tướng Đờ-cát cùng các tướng lĩnh chỉ huy của quân đội thực dân Pháp tại Cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Những giây phút lịch sử, niềm vinh dự, tự hào được đóng góp vào chiến thắng đó là ký ức đẹp mà ông Trứ không bao giờ quên.

Phú Thọ không chỉ có 1.535 thanh niên lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn có lực lượng chiến đấu ở địa phương, lực lượng dân công với quyết tâm “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Thê, 90 tuổi, ở Minh Phương, thành phố Việt Trì còn nhớ hình ảnh từng đoàn xe thồ, xe trâu, đoàn thuyền lớn nhỏ của nhân dân Phú Thọ tiến tới chiến trường. Hàng chục ngàn dân công băng đèo, lội suối, mở đường vận chuyển lương thực, thực phẩm đạn dược để tiếp tế cho lực lượng chiến đấu ở tuyến đầu. 

Tỉnh ủy Phú Thọ lúc bấy giờ đã chỉ đạo các địa phương, huy động được 69.335 người trực tiếp phục vụ chiến dịch. Toàn tỉnh huy động 19.333 Thanh niên xung phong và Dân công hoả tuyến phục vụ tiền tuyến; huy động được 1.087 chiếc xe đạp thồ, 3.137 thuyền vận tải lương thực, 80 xe trâu, ngựa của đồng bào… Với quyết tâm của tất cả lực lượng, Phú Thọ đã đóng góp cho chiến dịch 4.318 tấn gạo (bằng 1/3 số gạo của tổng chiến dịch), 4.149 con trâu, bò và 334.141 tấn thịt lợn... Nhân dân trong tỉnh còn gửi 208.515 bức thư động viên anh, chị em dân công phục vụ chiến dịch; giúp đỡ các gia đình có người ra mặt trận 13.800 ngày công cày cấy để đảm bảo vụ chiêm thắng lợi. Những con số được lịch sử ghi lại là bằng chứng cho những cống hiến, đóng góp hết mình của quân và dân Phú Thọ cho chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và cho độc lập, tự do của đất nước nói chung.

Nối tiếp truyền thống anh hùng

67 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, phát huy truyền thống đoàn kết, Phú Thọ tiếp tục phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có kinh tế đi đầu đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Năm 2020, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng tưởng của kinh tế của tỉnh vẫn đạt 3,56%; giá trị xuất khẩu ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 2 lần so với năm 2019; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 30,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6%; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 7.543 tỷ đồng, đạt 121,9% dự toán. 

Nông nghiệp được đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường thâm canh, tăng vụ, đưa giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Vì thế đã tạo bước đột phá trên tất cả các mặt năng suất, sản lượng, bình quân lương thực đầu người, đảm bảo an ninh lương thực… Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu trước 3 năm, hết 2020, toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện, 122 xã, 310 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô, phương thức kinh doanh từng bước được đổi mới. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đứng thứ 26/63 tỉnh, thành. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Trong những năm qua, Phú Thọ không ngừng phấn đấu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở cả thành thị và nông thôn, thành phố Việt Trì được xây dựng trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Các di sản văn hoá trên địa bàn được chú trọng bảo tồn; thể thao đạt được nhiều thành tích cao và có bước phát triển mạnh; chất lượng giáo dục mũi nhọn và toàn diện tiếp tục được nâng lên; dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện ở cả 3 tuyến… Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn là kết tinh quyết tâm của cả bộ máy chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Nối tiếp lý tưởng xây dựng quê hương, những mô hình kinh tế mới của tuổi trẻ Đất Tổ ngày một nhiều thêm, những nghiên cứu trên mọi mặt được đào sâu, phát triển. Thế hệ trẻ Đất Tổ ngày càng đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, Tổ quốc. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ trẻ trên địa bàn cũng tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; làm sống lại những hình ảnh cao đẹp của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong điều kiện mới để tiếp tục hun đúc, phát triển tinh thần sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao để bảo vệ Tổ quốc.

 Để giáo dục kiến thức lịch sử, truyền thống yêu nước và lý tưởng cách mạng của chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều hiện vật của chiến dịch đã được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 2, thành phố Việt Trì. Ông Đồng Văn Hùng - Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 2 cho biết: Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những hiện vật này hiện đều được bảo quản tốt là cơ sở và giá trị lịch sử trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân khi đến tham quan Bảo tàng, tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.

Những cống hiến máu xương vô tư và quyết tâm vượt khó là truyền thống quý báu mà các thế hệ nhân dân Phú Thọ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã truyền dạy cho thế hệ ngày nay. Đó là bài học sẽ được gìn giữ, phát huy, vận dụng trong quá trình vươn lên sáng tạo để xây dựng quê hương Đất Tổ. Bản anh hùng ca Điện Biên Phủ đã và đang ngân vang mãi, trở thành động lực phấn đấu cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

 

Theo PTĐT