Sinh ra và lớn lên tại xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), cái nôi của nghệ thuật Hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có lẽ chính vì thế, niềm yêu thích nghệ thuật dường như đã ngấm vào máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn của bà Lương ngay từ thuở ấu thơ. Bà Lương cho biết: Từ nhỏ tôi đã được nghe và theo các cụ trong làng đi hát Xoan tại Đình làng An Thái, miếu Cấm. Tôi thấy hay, cứ hát theo các bà, các chị mà thuộc mọi lời hát, điệu múa từ lúc nào không biết.
Trải qua năm tháng, bà Lương cũng như nhiều người con của quê hương Phượng Lâu luôn nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật hát Xoan. Học bằng phương pháp truyền khẩu từ các cụ trong làng, dần thành quen, bà càng học càng thấy yêu những câu Xoan thắm đượm nghĩa tình. Sau nhiều năm khổ luyện, bà Lương thuộc hết 14 quả cách (làn điệu), cách nhả hơi, luyến chữ... và trở thành đào nương có tiếng với giọng hát vang vọng mê đắm lòng người.
Khi am hiểu, nắm giữ và thực hành thuần thục các quả cách, làn điệu hát Xoan cổ, hát hội, hát phú, đúm, lý, ngay từ những năm 1986, bà Lương đã cùng các đào, kép trong phường Xoan An Thái đi biểu diễn ở nhiều nơi, trong nhiều sự kiện như tế lễ, hội làng, Giỗ Tổ Hùng Vương… Và cứ thế, những làn điệu Xoan đã trở thành ngọn nguồn đam mê, gắn bó máu thịt với người nghệ nhân ấy. Thời gian sau đó, bà bắt đầu dạy hát Xoan cho các con, các cháu trong làng. Ngoài mở lớp truyền dạy tại nhà, bà còn nhiệt tình tham gia các buổi truyền dạy hát Xoan do địa phương tổ chức. Đến nay, số lượng người theo học bà đã lên tới hơn 50 người, trong đó có nhiều học trò xuất sắc, trở thành hạt nhân trong phong trào văn hoá, văn nghệ - thế hệ kế cận tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền những làn điệu Xoan ở địa phương.
Theo bà Lương, hát Xoan vừa dễ lại vừa khó học. Dễ là bởi hát Xoan thường được biểu diễn tại sân đình - nơi gắn với những sinh hoạt tập thể hết sức gần gũi với người dân, giai điệu mộc mạc, giản dị và dễ thể hiện... Cái khó là ở chỗ, hát Xoan vốn là một nghệ thuật cổ có âm điệu không giống với bất cứ làn điệu dân ca nào, ca từ đa số theo văn Hán Nôm, động tác tay và chân phải kết hợp nhịp nhàng với lời hát, nếu không thật sự yêu thích, say mê và chăm chỉ luyện tập thì sẽ rất khó để học được. “Hát Xoan có hát cửa đình và hát hội. Hát cửa đình thì nhịp điệu và lời ngắn, không luyến, phải nghiêm trang, còn khi hát hội lại phải dùng lối hát đối đáp, hát luyến láy giao duyên, múa hát vui tươi” - Bà Lương cho biết.
Năm nay là năm thứ 2 Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên nhiều sự kiện văn hóa giảm quy mô hoạt động, các chuyến đi biểu diễn cũng ít hơn. Tuy nhiên, bà Lương vẫn thường xuyên tập luyện và dạy hát Xoan cho các con, cháu trong gia đình. Bà chia sẻ: Mặc dù có lúc gặp khó khăn nhưng mọi người trong phường Xoan vẫn động viên nhau, giúp đỡ nhau có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục vun đắp tình yêu và đam mê của mình.
Đi gần trọn cuộc đời, bà Bùi Thị Lương chưa từng ngừng nghỉ trong hành trình cống hiến và tiếp tục trao truyền niềm đam mê hát Xoan cho nhiều thế hệ con cháu. Theo bà Lương, hiện nay, đa số nghệ nhân ở thế hệ của bà tuổi đã cao, chỉ nay mai sẽ về với tiên tổ. Bởi thế khi còn sức khỏe, còn có thể hát thì bà và các nghệ nhân khác sẽ cố gắng hết sức để truyền dạy những tinh túy nhất của làn điệu Xoan cho thế hệ trẻ hôm nay. “Chính các thế hệ hôm nay sẽ là người gìn giữ và viết tiếp những chặng đường phát triển của Hát Xoan, để Hát Xoan không chỉ sống trong lòng người dân Đất Tổ mà còn lan tỏa sâu rộng, thấm đượm trong trái tim của muôn triệu người dân Việt Nam” - bà Lương chia sẻ.