Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH 14- CP - ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Phú Thọ trân trọng giới thiệu quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo các bước như sau:
Bước 1: Mở hội nghị hiệp thương từ ngày 3/2 đến ngày 17/2/2021
Căn cứ vào số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND được bầu vào nhiệm kỳ 2021- 2026; theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật bầu cử đại biểu HĐND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (cấp tổ chức hội nghị hiệp thương) triệu tập, chủ trì hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND của cơ quan, tổ chức đơn vị với cơ cấu hợp lý, thể hiện cho khối đại đoàn kết toàn dân. Số lượng người dự kiến giới thiệu ra ứng cử phải nhiều hơn ít nhất gấp 2 lần số lượng đại biểu được bầu để lựa chọn dần đến Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 quyết định danh sách chính thức những người ứng cử.
Bước 2: Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, trên cơ sở điều chỉnh của UBTVQH, HĐND về cơ cấu thành phần, số lượng được bầu của các cơ quan, tổ chức đơn vị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị hiệp thương) có trách nhiệm thông báo với cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND hướng dẫn nội dung và cách tiến hành giới thiệu người ra ứng cử, làm hồ sơ người ra ứng cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND do các cơ quan, tổ chức đơn vị giới thiệu phải qua các bước: Lãnh đạo cơ quan phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ quan dự kiến người của cơ quan để giới thiệu ứng cử, tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác; Ban lãnh đạo họp mở rộng để thảo luận, lựa chọn giới thiệu người của cơ quan tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi làm việc. Tại hội nghị cử tri nơi công tác, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử (hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín sẽ do hội nghị quyết định).
Bước 3: Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 được tổ chức từ ngày 15/3/2021 - 19/3/2021
MTTQ cấp hiệp thương triệu tập và chủ trì hội nghị lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 căn cứ vào tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND, sự điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân, lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm cử tri nơi công tác để làm cơ sở lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Bước 4: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú của những người ứng cử ĐBQH; những người ứng cử đại biểu HĐND được tổ chức ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên do Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập, chủ trì hội nghị. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã mời đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ứng cử để tổ chức hội nghị cử tri. Cử tri ở hội nghị này bày tỏ sự tín nhiệm của mình bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Bước lựa chọn nơi công tác và nơi cư trú rất quan trọng vì cử tri những nơi này là những người sâu sát nhất, có đầy đủ thông tin nhất về đạo đức, phẩm chất chính trị cũng như năng lực của người ứng cử. Vì vậy người ứng cử sẽ không thể trở thành người đại biểu của nhân dân một khi chưa được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú.
Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 3 từ ngày 14/4/2021 đến ngày 18/4/2021
Ủy ban MTTQ (cấp tổ chức hội nghị hiệp thương) triệu tập và chủ trì hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và những người ứng cử đại biểu HĐND (bao gồm cả người tự ứng cử). Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 dựa vào kết quả việc lấy ý kiến và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú, trả lời về các vụ việc phải xác minh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, coi đó là những căn cứ quan trọng để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Sau đó Ủy ban MTTQ gửi danh sách chính thức đến Ủy ban bầu cử - Hội đồng bầu cử để công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.
Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, công dân có quyền khiếu nại tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử; Ủy ban bầu cử tỉnh, Hội đồng bầu cử Quốc gia. Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh, Hội đồng bầu cử Quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử. Người có tên trong danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND tiến hành vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc và trên các phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo với cử tri dự kiến trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội; đại biểu HĐND. Việc vận động bầu cử được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng luật.
Như vậy, danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp hiệp thương) lựa chọn giới thiệu, đảm bảo thực sự dân chủ, công khai để lựa chọn, bầu ra những đại biểu đủ đức, đủ tài, xứng đáng thay mặt cho nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp./.