Không thể xuyên tạc giá trị lịch sử của Cách mạng tháng Tám
Cập nhật ngày: 18/08/2020 13:41
Như một điệp khúc quen thuộc, cứ vào dịp nhân dân ta chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9, thì các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lại đẩy mạnh hoạt động chống phá, nhằm bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận bản chất, ý nghĩa và giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bởi vậy, nhận diện rõ những luận điệu sai trái, phản động và kiên quyết đấu tranh bác bỏ, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

        Hiện nay, sự xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lại càng trở nên nguy hiểm, nhất là khi chúng ta đang hướng tới Đại hội XIII của Đảng. Nó chẳng những nhằm hạ thấp, phủ nhận giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, mà còn tác động trực tiếp làm một số người trong chúng ta, do thiếu cảnh giác, bản lĩnh chính trị không vững vàng, có thể ngộ nhận, dao động, suy giảm niềm tin vào con đường, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên làm phá sản mọi luận điệu xuyên tạc giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám là một yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay.

        Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự phát triển lôgic, trực tiếp từ các phong trào yêu nước của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trên một lập trường mới, con đường và phương pháp đấu tranh mới. Những thập kỷ đầu thế kỷ XX, vấn đề xóa bỏ gông xiềng áp bức, bóc lột của đế quốc, thực dân, thực hiện “dân tộc giải phóng”, giành độc lập, tự do là vấn đề hàng đầu của dân tộc Việt Nam. Giải quyết vấn đề này, trong thực tiễn lịch sử dân tộc đã có nhiều lập trường và cách thức khác nhau. Song, lịch sử dân tộc đã trao trọng trách lãnh đạo đất nước cho Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi đã khảo nghiệm khắt khe những phương án chính trị của các giai cấp và lực lượng chính trị đương thời, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời là đòi hỏi tất yếu của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân; đồng thời, nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản và bức thiết giải quyết vấn đề “dân tộc giải phóng”.

        Trải qua 15 năm đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân, đánh đổ chế độ phong kiến tay sai, lập ra Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó là lôgic tất yếu của sự vận động lịch sử dân tộc từ khi có Đảng, không thể có lôgic nào khác.

        Có hiểu thấu lôgic tất yếu đó mới thấy rõ tính tất yếu và giá trị thực sự của Cách mạng Tháng Tám. Lôgic tất yếu đó của lịch sử dân tộc làm phá sản mọi luận điệu: rằng, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là “sự ăn may”, hay là sự “cướp công”, mà các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị cố tình bóp méo, xuyên tạc, nhằm hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và giá trị lịch sử của cuộc cách mạng vĩ đại này. Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định, sứ mệnh giai cấp và sứ mệnh dân tộc của Đảng gắn bó chặt chẽ, hòa quyện và thống nhất với nhau, không tách rời. Đảng lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi là thực hiện sứ mệnh giai cấp và sứ mệnh dân tộc ấy. Điều đó tuyệt nhiên không phải là Đảng “tiếm quyền” như sự xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội.

        Cách mạng Tháng Tám không thể là “việc không nên làm”, như các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc. Không thể nói rằng, “khi thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng Kim”, vì thế cách mạng là “việc không nên làm”. Trên thực tế, Chính phủ Trần Trọng Kim “được Nhật trao độc lập”, không thể là biểu tượng cho sự thống nhất, quy tụ ý chí độc lập và khát vọng giải phóng của dân tộc Việt Nam. Vì thế, họ đã tự đặt mình vào thế đối lập với xu thế phát triển của lịch sử dân tộc và thời đại. Chính Trần Trọng Kim đã bày tỏ rằng: “không thể quên ơn nước Đại Nhật Bản đã giải phóng cho ta”, và tin tưởng: “trên nhờ lòng tin cậy của đức Kim Thượng (Bảo Đại), dưới nhờ sự ủng hộ của quốc dân, ngoài tin vào lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản” để “mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu”2. Rõ ràng, chính quyền Trần Trọng Kim chỉ là một tổ chức bù nhìn, bất lực trước nhiệm vụ tự nó đặt ra; là sản phẩm trực tiếp của chính sách chiếm đóng, cai trị của phát xít Nhật trước sự thất bại không tránh khỏi; vì thế, sự nhanh chóng cáo chung của chính quyền này là một điều tất yếu.

        Nhân dân Việt Nam quyết đứng lên tự mình giải phóng cho mình, tự làm chủ và thay đổi cuộc đời của mình, chứ không phải thực hiện giải phóng nửa vời, “tin vào lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản”, lại rơi vào vòng nô lệ, cứ luẩn quẩn trong vòng “bảo hộ”, nô dịch của ngoại bang.

        Trong bối cảnh tình hình thế giới và đất nước đương thời, sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam đòi hỏi và nhất thiết phải là sự nghiệp cách mạng sâu sắc và triệt để. Cách mạng Tháng Tám đã phản ánh và thỏa mãn tính chất sâu sắc và triệt để của sự nghiệp giải phóng ấy, thể hiện cụ thể trong mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Trong lúc này, nhiệm vụ cần kíp của dân tộc Việt Nam là “dân tộc giải phóng”, sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc là ưu tiên số một, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Cách mạng Tháng Tám thành công, “đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng”3; nhưng công việc cơ bản và quan trọng của cách mạng là xây dựng chính quyền mới, củng cố và sử dụng chính quyền ấy xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho quần chúng nhân dân lao động.

        Cách mạng Tháng Tám là sự nghiệp giải phóng dân tộc do chính nhân dân ta “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” tiến hành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân ta bị dồn nén dưới ách đô hộ, thống trị của thực dân, phong kiến, đã được “thổi bùng” lên bằng sức mạnh “dời non lấp biển” của quần chúng nhân dân trong suốt tiến trình cách mạng. Cách mạng Tháng Tám “đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”4.

        Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân lao động từ thân phận bị nô lệ, bị áp bức bóc lột vươn lên làm chủ, giành chính quyền về tay mình, đứng ra cai quản, tổ chức xây dựng chế độ xã hội mới. “Từ đó dân ta làm chủ nước ta”5. Các vấn đề củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng đất nước, diệt “giặc đói”, “giặc dốt” được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt cùng với vấn đề diệt “giặc ngoại xâm” ngay sau khi cách mạng thành công với tư cách là những vấn đề cấp bách của cách mạng, của đất nước, mà chính quyền mới phải giải quyết. Thành quả của cách mạng tiếp tục được củng cố trong Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946, và nhân dân ta đã “vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”6. Đây rõ ràng là cuộc cách mạng không phải thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác; mà là cuộc cách mạng nhằm thủ tiêu chế độ bóc lột, áp bức, bất công, đưa nhân dân lao động lên làm chủ, thay đổi căn bản địa vị của họ trong xã hội. Tính chất sâu sắc, triệt để của Cách mạng Tháng Tám thể hiện tập trung ở đó.

        Một cuộc cách mạng như thế, một sự nghiệp giải phóng sâu sắc và triệt để như thế của lịch sử dân tộc, nhất thiết không phải là “việc không nên làm” như sự xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch, phản động. Đây thực chất là luận điệu phi lịch sử, phản nhân dân, phản dân tộc, không đánh lừa được ai. Cách mạng là tất yếu và cách mạng được thực hiện một cách kiên quyết, kịp thời, nhanh chóng và triệt để; không thể nói bừa đó là “việc không nên làm”.

        Giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có giá trị quốc tế và thời đại sâu sắc. Một dân tộc không thể có được độc lập, tự do, nếu dân tộc ấy không tự đứng lên để giải phóng cho mình, không biết tự cứu lấy mình, không có con đường đấu tranh đúng. Đó là một chân lý - chân lý đấu tranh mà Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh. Nó cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ - Latinh đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, chống áp bức, nô dịch, giành độc lập, tự do.Cách mạng Tháng Tám đã minh định: Độc lập, tự do của dân tộc, của con người là giá trị cao quý, thiêng liêng, là “không có gì quý hơn độc lập tự do”. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” 

        Khi đã có độc lập, tự do thì phải quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm cho nhân dân ngày càng hạnh phúc, giá trị thực sự của độc lập, tự do là ở chỗ đó. Và khi độc lập, tự do bị xâm phạm, thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền độc lập và tự do ấy, với tinh thần thà hy sinh tất cả “chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là những vấn đề mang tính quy luật, những giá trị lịch sử mang tầm thời đại, không thể phủ nhận.Có đặt trong bối cảnh lịch sử - thực tiễn đất nước và thế giới đương thời, thực tiễn nhân dân ta chịu ách đô hộ, thống trị, bóc lột của thực dân Pháp và chế độ phong kiến đang mục ruỗng, suy tàn; thực tiễn lôgic vận động của lịch sử dân tộc từ khi có Đảng, thì mới thấm thía và cắt nghĩa được giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám của nhân dân ta. Mọi luận điệu: Đảng “tiếm quyền”, “cướp công”, cách mạng là sự “ăn may”, là “việc không nên làm”,… mà các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị cố tình rêu rao, thực chất chỉ là “bổn cũ soạn lại”, nhằm xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám. Đó chỉ là trò hề lố bịch, không đánh lừa được ai!

 

Theo PTĐT