Sau 61 năm, khắc ghi lời dạy của Bác, Phú Thọ đã phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Việt Trì và Thái Nguyên là “2 đứa con đầu lòng” của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Trong đó, Việt Trì là thành phố công nghiệp nhẹ, được xây dựng theo kiểu tổ hợp kinh tế công nghiệp hiện đại, quy mô, tập trung khá lớn các nhà máy: Điện, Đường, Giấy, Hóa chất, Miến - Mỳ chính... Trong suốt những năm tháng “chắc tay súng, vững tay búa”, sản phẩm của các nhà máy này đã góp phần thiết thực phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Cho đến nay, khu công nghiệp xưa với các nhà máy đặt nền móng cho công nghiệp của tỉnh như Giấy, Hóa chất, Điện… vẫn luôn nỗ lực, không ngừng đầu tư, nâng cấp, thay thế dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đời sống cho công nhân lao động và thực hiện nộp ngân sách Nhà nước đầy đủ.
Nhớ lời Bác dạy phải xây dựng Đất Tổ thành khu công nghiệp to lớn khi tới thăm công trường xây dựng KCN Việt Trì năm xưa, năm 1997, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quy hoạch, xây dựng các KCN nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ 1 Khu công nghiệp Thụy Vân hình thành năm 1997, đến nay tỉnh đã có 7 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quy hoạch các KCN tại Việt Nam là KCN Thụy Vân, Trung Hà, Tam Nông, Cẩm Khê, Phù Ninh, Phú Hà, Hạ Hòa với tổng diện tích đất quy hoạch 2.256ha và 22 cụm công nghiệp (CCN) được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng diện tích đất quy hoạch 1.226ha.
Song song với việc mở rộng các khu, CCN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật bên trong các KCN và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực nhằm chia sẻ, đồng hành với nhà đầu tư; tạo sự hỗ trợ tích cực, tác động giữa phát triển kết cấu hạ tầng KCN và hạ tầng kỹ thuật của khu vực. Tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, cởi mở, thông thoáng; hỗ trợ tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Hanh- Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Các KCN đã thu hút 172 dự án, trong đó có 79 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 852 triệu USD; 93 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 19.809 tỷ đồng. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, hình thành một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, ngoài các nhà đầu tư trong nước còn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… tập trung vào các lĩnh vực như: Điện tử, cơ khí, dệt, may, bao bì, thực phẩm, chế biến nông, lâm sản thực phẩm, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi... Đáng chú ý, có nhiều dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao lựa chọn các KCN Phú Thọ làm điểm đến tiềm năng như: Công ty TNHH công nghệ Namuga Phú Thọ, Công ty TNHH JNTC Vina, Công ty TNHH Almus Vina, Công ty TNHH Hanyang digitech Vina… Với sự đầu tư của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, nâng kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách cho địa phương; góp phần giải quyết việc làm cho 42.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt 40.000 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 1.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở Công thương chia sẻ: Làm theo lời căn dặn của Bác để “xây dựng Đất Tổ thành một KCN to lớn”, ngành công thương tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để các doanh, nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế có tiềm năng về công nghệ thị trường và vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên phát triển những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
61 năm đã trôi qua, nhưng những lời dạy của Bác khi thăm công trường xây dựng KCN Việt Trì vẫn còn vang vọng. Phú Thọ- Đất Tổ Vua Hùng hôm nay khắc ghi lời Bác, tập trung quy hoạch, xây dựng các KCN, CCN với mong muốn mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến hiện đại, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường… để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và xây dựng được lực lượng lao động có ý thức, tác phong công nghiệp, có kỹ thuật cao; thúc đẩy phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.