Theo đường bộ, cầu Việt Trì nằm trên tuyến nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc, được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1901 trong chiến lược khai thác thuộc địa lần thứ nhất, cùng đợt với cầu Long Biên ở Hà Nội. Theo Báo Nhân dân số 712, ra ngày 14/2/1956: Trên công trường khôi phục cầu Việt Trì, với nhịp độ khẩn trương, quyết tâm hoàn thành kế hoạch, hàng trăm công nhân gồm bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết và chuyên gia Trung Quốc đã lao động quên mình ngày đêm để gấp rút thông cầu. Khi cầu đã lao xong hai nhịp, còn hai nhịp nữa thì hoàn thành, đúng 13 giờ ngày mùng 1 Tết, Bác về thăm và chúc Tết. Sau khi đi thăm chỗ ăn nghỉ của chuyên gia, công nhân, Người ra thăm công trường đang gấp rút chuẩn bị lao các nhịp cầu để nối liền đôi bờ sông Lô. Tại câu lạc bộ công trường, Bác căn dặn công nhân ra sức hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; thi đua làm mau, làm tốt, làm rẻ; kết hợp chống tham ô, lãng phí.
Chỉ hơn một tháng sau khi Hồ Chủ tịch về thăm và động viên, ngày 23/3/1956, cầu Việt Trì hoàn thành, thông suốt giao thông đường sắt và đường bộ, nối liền các tỉnh phía Bắc với các tỉnh đồng bằng và Thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh phát triển lên một bước mới.
Những năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, để đáp ứng yêu cầu vận tải đường bộ, tỉnh đã chỉ đạo ngành giao thông vận tải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển giao thông, phục vụ sản xuất, đời sống, QP-AN. Cuối năm 2013, một cây cầu mới có tên Hạc Trì được khởi công xây dựng, vị trí phía đầu nguồn sông Lô, song song với cây cầu Việt Trì cũ và hoàn thành vào tháng 5/2015. Tháng 10/2018, cầu Văn Lang (cầu Việt Trì- Ba Vì), nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức hợp đồng BOT chính thức được thông xe. Bên cạnh đó, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Sở GT-VT đã thực hiện huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt và các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống giao thông phù hợp với quy hoạch, nâng cao chất lượng công trình, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 5 năm (từ 2015 đến 2020), tỉnh đã tổ chức thực hiện và hoàn thành một số công trình giao thông quan trọng, như: Đưa vào sử dụng 5 nút giao IC7, IC8, IC9, IC10, IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các tuyến đường kết nối với hệ thống quốc lộ; cùng với hoàn thành Cầu Văn Lang và tuyến đường dẫn kết nối với QL.2D thành phố Việt Trì với QL.32, huyện Ba Vì, Thủ đô Hà Nội; nhiều cây cầu, tuyến đường mới cũng được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động như: Cầu Mỹ Lung trên QL.70B tại xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập; 22km đường Hồ Chí Minh đoạn từ xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ đến xã Hương Nộn, huyện Tam Nông. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án giao thông quan trọng khác, như: Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối thành phố Việt Trì với huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC9; xây dựng tuyến đường từ cầu Đồng Quang, tại xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy đến QL.32 tại ngã ba xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn…
Cùng với phát triển giao thông đường bộ, ngành giao thông cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 455,6km đường nội thị, tính đến hết quý I năm 2020, tỷ lệ cứng hóa đạt 91,5%. Trong đó, đã xây dựng tuyến mới nhiều tuyến đường nội thị hiện đại, như các tuyến đường: Phù Đổng, Trường Chinh kết nối từ nút giao IC7 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào trung tâm thành phố Việt Trì, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, khu công nghiệp Thụy Vân, đường Vũ Thê Lang, đường Nguyễn Du, đường Hoà Phong, đường Hai Bà Trưng kéo dài, đường Nguyễn Tất Thành kéo dài thuộc thành phố Việt Trì, đường Hùng Vương thị xã Phú Thọ, đường nội thị trị trấn Tân Sơn… Đến hết quý I năm 2020, tỷ lệ kiên cố hoá đường giao thông nông thôn đạt 67,1%. Ngoài ra, các tuyến đường sắt, đường thuỷ nội địa tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, có nhiều đóng góp tích cực đối với việc vận chuyển hàng hoá, phát triển kinh tế cũng như phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đồng chí Trịnh Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định: Cây cầu Việt Trì năm xưa khi Bác về thăm cùng những lời căn dặn của Người về vai trò của cầu đường trong phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa sẽ mãi là định hướng ưu tiên cho giao thông trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngành giao thông vận tải đã triển khai những việc làm thiết thực, cụ thể, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số tuyến đường giao thông quan trọng, có tính liên kết vùng, địa phương, đối ngoại kết nối với đường cao tốc, quốc lộ để phát triển du lịch, dịch vụ, khu công nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải; phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, công tác xã hội hóa bến xe. Tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn và quản lý người điều khiển phương tiện; nâng cao chất lượng quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện. Đẩy mạnh công tác nắm bắt và tiếp nhận thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển…