Ghi nhận tại xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Khoảng đầu tháng 3/2020, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ tiếp nhận thông tin do Công an tỉnh Quảng Nam và Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam cung cấp về việc có một người phụ nữ hộ khẩu ở tỉnh Phú Thọ nghi bị bán sang Trung Quốc từ năm 1990. Người này hiện đang bị cách ly tại Trung tâm Y tế Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh, điều tra về nhân thân của người phụ nữ trên. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã xác định người phụ nữ nói trên là Hà Thị Ch - SN: 1978, ở khu Còn 1, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đồng chí Trung tá Đỗ Minh Thành - Đội trưởng đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: “Quá trình xác minh thân nhân của người phụ nữ nghi bị bán sang Trung Quốc khoảng những năm 1990 do Công an tỉnh Quảng Nam cung cấp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, do thông tin khai báo không chính xác. Nhưng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo đơn vị, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã tiến hành chia ra làm nhiều tổ công tác, cử đi các trinh sát có kinh nghiệm lâu năm đối với các vụ án có dấu hiệu của việc mua bán người, đồng thời, tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương và Công an các huyện, thành, thị để xác minh. Bản thân người phụ nữ nói trên cũng không nhớ tên tuổi của bản thân và của bố, mẹ đẻ, cũng như địa chỉ nơi mình sinh ra, do đó, việc xác minh gần như rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tế, các trinh sát đã xác minh được cách đây khoảng 30 năm trở về trước, có một trường hợp mất tích, từ đó không thấy quay trở lại địa phương. Mọi thông tin dần được hé mở, khi các trinh sát có một cuộc gọi livestream kết nối giữa người phụ nữ nói trên và gia đình có người thân bị mất tích năm xưa. Ngay sau đó, người phụ nữ đã khóc nức nở khi nhận ra cha đẻ của mình qua cuộc điện thoại”.
Đi sâu tìm hiểu, cơ quan Công an được biết, năm 1990, nghe theo lời rủ của bạn bè, chị Hà Thị Ch đã vượt biên sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến Trung Quốc, chị Ch đã bị chính người bạn của mình lừa bán cho một gia đình người Trung Quốc. Tại đây, chị Hà Thị Ch nhiều lần bị chủ nhà đánh đập, ép phải quan hệ với nhiều người. Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, chị Ch đã bỏ trốn về Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Khi về đến Việt Nam chị Ch đã được Bộ đội biên phòng giúp đỡ để chị Ch có tiền bắt xe khách về quê. Tuy nhiên, do thời gian xa quê quá lâu nên chị Ch đã đi nhầm xe khách vào tỉnh Quảng Nam. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, chị Hà Thị Ch đã tìm được “nơi chôn rau cắt rốn của mình”. Tiếp xúc với chúng tôi chị Hà Thị Ch chia sẻ: “Do nhà nghèo, bản thân muốn ra ngoài kiếm tiền gửi về gia đình trang trải cuộc sống. Nghe theo lời dụ dỗ của một người bạn, chỉ cần sang bên Trung Quốc làm ăn vài tháng, với mức lương thu nhập cao sẽ có tiền gửi về cho gia đình nên tôi đã nghe theo. Nhưng vừa đặt chân sang bên kia biên giới tôi đã bị bán cho một gia đình người Trung Quốc, sau đó bị ép phải tiếp khách. Nếu không làm thì những trận đòn, roi cứ liên tiếp dáng xuống người. Hiện nay vẫn còn rất nhiều phụ nữ đang bị mắc lại “nơi đất khách quê người”. Bản thân tôi may mắn trốn được khỏi đó, được Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Phú Thọ giúp đỡ nên tôi mới được đoàn tụ với gia đình như ngày hôm nay.
Ông Hà Văn Hoạt - bố đẻ của chị Hà Thị Ch rất vui chia sẻ: “Cám ơn Đảng, cám ơn Nhà nước và lực lượng Công an đã không quản ngại khó khăn, giúp đỡ và đưa con gái tôi trở về gia đình sau mấy chục năm xa cách”.
Theo thống kê của Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Phú Thọ, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á tìm việc làm. Trong số này không ít trường hợp đã bị Cảnh sát nước sở tại bắt giữ hoặc bị các đối tượng buôn người lừa bán vào các ổ mại dâm, thậm chí có trường hợp phải bỏ mạng nơi đất khách, quê người. Đồng chí Trung tá Đỗ Minh Thành - Đội trưởng đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết thêm: “Các đối tượng mua bán người thường lợi dụng sự hạn chế hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để dụ dỗ nghe và làm theo. Do đó, các gia đình có con, em ở độ tuổi lao động cần chú ý cảnh giác, không nghe và tin theo người lạ, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi cần việc làm, các gia đình nên hướng dẫn con em mình, tìm tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín, địa chỉ cụ thể để nghiên cứu, tìm việc làm cho phù hợp với bản thân”.
Mặc dù các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm thông báo về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động và những hệ lụy do xuất cảnh trái phép gây ra. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn chủ quan, xem nhẹ, từ đó dẫn đến những hậu quả đau lòng. Để ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tìm việc làm, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không tin và nghe theo người lạ, khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn cần báo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần bố trí việc làm phù hợp để người lao động yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống trên chính quê hương mình.