Việc sản xuất các sản phẩm bánh củ mài được một số người dân ở xã Hy Cương tìm tòi, học hỏi ở các địa phương giàu kinh nghiệm trong sản xuất bánh kẹo như: Hà Nội, Bắc Ninh… rồi về trực tiếp sản xuất trên chính quê hương mình. Từ những nguyên liệu từ địa phương và các vùng lân cận, các chủ cơ sở đã chế biến ra nhiều loại bánh thơm ngon mang hương vị riêng như: bánh củ mài, bánh củ mài vừng giòn, bánh củ mài cổ tích nướng… Bánh củ mài được làm từ nguyên liệu chính là củ mài, bánh được làm bằng cách nghiền củ mài thành bột, sau đó cho vào nấu cùng bột nếp, mạch nha và đường. Người nấu dùng kinh nghiệm để quan sát độ chín dẻo để múc ra, lót cơm dừa làm áo rồi mới để nguội, cắt khúc, đóng gói. Để tạo dựng thương hiệu và giữ được chất lượng của sản phẩm, việc lựa chọn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các hộ làm bánh, kẹo quan tâm, coi trọng. Anh Đào Văn Long- chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Thành Long, một cơ sở sản xuất lớn ở xã Hy Cương cho biết: "Khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Tất cả nguyên liệu như; củ mài, gạo, lạc đều được lựa chọn kỹ, không bị mốc, hỏng để sản phẩm có chất lượng cao. Tất cả nhân viên khi sản xuất đều bắt buộc phải mặc trang bị bảo hộ để đảm bảo vệ sinh”.
Phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức đã đưa các sản phẩm từ củ mài và các nông sản khác của vùng Đất Tổ đến với các sạp hàng trong khu di tích và cả một số tỉnh thành khác. Du khách khi về Đền Hùng đã có thể mua những sản phẩm làm quà chính từ các nguyên liệu đặc trưng vùng, do chính người dân dưới chân núi Hùng sản xuất. Thời gian tới, các sơ sở sản xuất bánh kẹo, chế biến nông sản trên địa bàn Hy Cương cần giữ vững được uy tín, chất lượng sản phẩm đã dày công gây dựng; tiếp tục mở rộng quảng bá sản phẩm thông qua nhiều hình thức khác nhau;, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất; nghiên cứu sản xuất thêm một số loại bánh hoặc hoa quả từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Phú Thọ để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thể nói, phát triển thương mại - dịch vụ khi diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp đang được cấp ủy, chính quyền xã Hy Cương coi là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ thương mại, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, mà sản xuất các sản phẩm bánh kẹo phục vụ Đền Hùng là một hướng đi hoàn toàn phù hợp.