Từ thuở thiếu thời, người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành đã tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức bóc lột đến cùng cực của đồng bào mình và tận mắt nhìn thấy tội ác của thưc dân Pháp và thái độ ươn hèn của bọn phong kiến... tất cả những điều đó đã thôi thúc người ra đi tìm một con đường mới để cứu dân, cứu nước. Quê hương, gia đình, truyền thống dân tộc... đã chuẩn bị cho người nhiều điều. Quê hương, đất nước cũng đặt niềm tin ở người trên bước đường tìm đến trào lưu mới của thời đại.
Xuất phát từ ý chí dân tộc, từ hoài bão cứu nước, năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời tổ quốc sang phương Tây tìm đường cứu nước. Đó là việc làm mới mẻ, chưa có tiền lệ, khác với hướng đi truyền thống sang phương Đông của các bậc tiền bối. Qua cuộc hành trình đến nhiều nước. Người đã xúc động trước cảnh khổ cực, bị áp bức của những người dân lao động, Người nhận thấy ở đâu nhân dân cũng mong muốn thoát khỏi áp bức, bóc lột.
Với lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chí Minh kiên trì chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, Người chú ý xem xét tình hình các nước, suy nghĩ về những điều mắt thấy, tai nghe, hăng hái học tập và tham gia các cuộc diễn thuyết của nhiều nhà chính trị và triết học. Năm 1919, thay mặt những người Viêt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách của nhân dân An Nam tới hội nghị Véc Xây, đòi chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới và nhân dân Pháp phải chú ý tới tình hình Việt Nam và Đông Dương.
Trong giai đoạn từ năm 1921 đến 1930, Nguyễn Ái Quốc có những hoạt động thực tiễn và hết sức phong phú, sôi nổi trên địa bàn các nước: Pháp (1921-1923), TrungQuốc (1924-1927), LiênXô (1928-1929), Thái Lan (1928-1929). Trong những thời gian này, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam đã hình thành cơ bản.
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28-01-1941 Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ Quốc; nhanh chóng bắt tay xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng tại Cao Bằng. sau một thời gian chuẩn bị, hội nghị Trung ương lần thứ tám họp (từ ngày 10 đến ngày 19-05-1941), tại Pắc Bó (Hà Quảng- Cao Bằng) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tham gia hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu của Xứ ủy Trung Kỳ, Bắc kỳ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài, ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) đã phân tích tình hình thế giới và thảo luận hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Lịch sử đã khẳng định, Hồ Chí Minh là một nhà lý luận -thực tiễn, Người xây dựng lý luận, vạch ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương cách mạng và trực tiếp tổ chức, lãnh đạo thực tiễn. Từ thực tiễn, Người tổng kết, bổ sung để phát triển lý luận, cho nên tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính cách mạng, luôn luôn sáng tạo, không lạc hậu, giáo điều. Những tư tưởng và đường lối đúng đắn, sáng tạo đó có ý nghĩa quyết định chiều hướng phát triển của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta, dẫn đến thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh các quyền cơ bản của các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt nam. Bản tuyên ngôn nêu rõ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn, trong đó độc lập, tự do gắn liền với phương hướng phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) là tư tưởng chính trị cốt lõi vốn đã được Hồ Chí Minh lần đầu phác thảo trong cương lĩnh của Đảng năm 1930. Nay đã thành hiện thực cách mạng, đồng thời trở thành chân lý của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội(CNXH) của nước ta.
Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam dân Chủ Cộng Hòa là thắng lợi của chủ nghĩ Mác - Lênin được vận dụng, là thắng lợi của độc lập dân tộc gắn liền với (CNXH) của Hồ Chí Minh.