Tiếng hát mãi xanh
Cập nhật ngày: 23/12/2019 10:09
Mặc cho thanh xuân trôi qua chẳng bao giờ trở lại; mặc cho tóc bạc, da nhăn, chân mỏi, gối mò, những giai điệu, lời ca cách mạng vẫn mãi “xanh” trong trái tim những cựu chiến binh bộ đội đặc công. Để rồi, khi chiến tranh theo thời gian trôi vào lịch sử, tiếng hát là nơi gửi gắm hoài niệm về miền ký ức “người lính trẻ” năm xưa, khích lệ tinh thần cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau vững tin trên con đường xây dựng quê hương.

Mùa xuân năm 2003, Đội nghệ thuật quần chúng Ban liên lạc bộ đội đặc công thành phố Việt Trì được thành lập và trở thành nơi giao lưu, gắn kết, chia sẻ niềm đam mê văn hóa văn nghệ của các cựu chiến binh bộ đội đặc công. Qua các hoạt động văn hóa văn nghệ của đội, các chủ chương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được lồng ghép, tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Hiện nay, đội có 10 thành viên ưu tú tham gia hoạt động phong trào sôi nổi, liên tục dù tất cả đều đã ngoài 60, thành viên cao tuổi nhất năm nay cũng đã 78 tuổi. Họ là những “người lính trẻ” năm xưa hăng hái tham gia chiến đấu tại nhiều mặt trận khác nhau trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1969 - 1975. Trên chiến trường, họ đã anh dũng cầm súng xông pha trận mạc, khi trở về tập kết tại đơn vị, tham gia vào các đội văn nghệ sư đoàn, họ đã dùng lời ca, tiếng hát của mình làm “liều thuốc giảm đau” cho đồng đội khi bị thương, động viên, cổ vũ tinh thần đồng đội, củng cố lực lượng vượt khó, vượt khổ, tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế tại chỗ phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ. Đến nay, dù tuổi đã cao, tóc bạc trắng mái đầu, mắt nhòe dần theo tháng năm nhưng những cựu chiến binh bộ đội đặc công ấy vẫn tự hào khoác lên mình bộ quân phục trang nghiêm, gắn đầy những tấm Huân chương danh giá và say sưa cất những lời ca, tiếng hát cách mạng dâng cho đời với nhiệt huyết cháy bỏng.

Chúng tôi đến thăm căn nhà nhỏ 3 gian của ông Trần thanh Hải, Đội trưởng đội nghệ thuật quần chúng Ban liên lạc bộ đội đặc công thành phố Việt Trì trong buổi chiều ấm áp hiếm hoi giữa mùa đông, quan sát “sân khấu” tập luyện của đội là khoảng sân nhỏ trước hiên nhà, “thiết bị” là chiếc đàn ghi ta cũ kỹ, vài ba cuốn sổ nhỏ ghi lời bài hát được chép tay cẩn thận đã chuyển màu vàng ố qua năm tháng. Hơn 15 năm qua, đội đã tham gia biểu diễn văn nghệ tại nhiều buổi lễ kỷ niệm của Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam Đioxin, Hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị, Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày…, cùng nhiều hội diễn giao lưu văn nghệ quần chúng giữa các tỉnh lân cận. Tùy theo từng chủ đề, chương trình biểu diễn, đội sẽ họp bàn và lên lịch trình tập luyện, dàn dựng tiết mục hát múa nghiêm túc, hiệu quả.

Tuy giọng hát không còn cao chót vót như những năm tháng tuổi trẻ, cũng không nội lực như người được đào tạo thanh nhạc bài bản; làn điệu dân ca chưa thể vang, rền, nền, nẩy và đầy kỹ thuật như câu quan họ của người dân Kinh Bắc… nhưng để thấu hiểu, cảm nhận sâu sắc lời ca, tiếng hát của một thời bom đạn đã đi qua thì chỉ có người cựu chiến binh ấy mới bộc lộ được hết nỗi niềm, cảm xúc giai điệu cách mạng. Ông Nguyễn Tiến Vĩnh (78 tuổi), thành viên Đội nghệ thuật quần chúng Ban liên lạc bộ đội đặc công thành phố Việt Trì bộc bạch: “Ngày ấy, khi biểu diễn ca khúc Khúc Ru Tìm Đồng Đội, tuy chỉ là tiết mục được dàn dựng đơn giản nhưng lại gây xúc động mạnh cho người xem và người diễn. Tiếng gọi đồng đội nghẹn ngào sau những trận bom rơi, cái cảm giác nồng nồng mùi thuốc súng, đôi mắt cay xè vì làn khói bụi đục ngầu bao phủ khắp chiến trường… Tất cả những ký ức đó chợt  ùa về trên sân khấu, dù đã cố gắng kìm nén cảm xúc nhưng các thành viên trong đội vẫn không thể hoàn thành trọn vẹn tiết mục”.

Không chỉ tích cực với hoạt động văn hóa văn nghệ, Đội còn thường xuyên tham gia các buổi giao lưu với học sinh các trường THCS, THPT trong thành phố vào các dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; tham gia biểu diễn văn nghệ tại các buổi lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ của các khu dân cư… Em Nguyễn Quốc Cường (khu 2, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì) chia sẻ: “Qua các bài hát được chính các bác cựu chiến binh biểu diễn, em càng hiểu hơn về những bài ca cách mạng, về lịch sử chiến tranh giành độc lập dân tộc. Được sinh ra và lớn lên trong hoà bình, em thấy mình phải tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa để góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng đất nước”.

Với những hoạt động tích cực, nhiều năm qua, Đội nghệ thuật quần chúng Ban liên lạc bộ đội đặc công thành phố Việt Trì đã nhận được sự ghi nhận, khen thưởng của Hội cựu chiến binh các cấp. Thế nhưng, có lẽ đối với họ, phần thưởng lớn nhất vẫn là được  cùng nhau giao lưu, ôn lại kỷ niệm đẹp thời kháng chiến gian khổ, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống đời thường, truyền cho nhau niềm lạc quan và lòng tin yêu cuộc sống.

 

PTĐT