“Ngôi nhà” thứ hai của người tâm thần
Cập nhật ngày: 28/10/2019 11:23
Không trí nhớ, không gia đình, không người thân bên cạnh, chỉ có những ánh mắt vô hồn, những tiếng khóc cười vô cảm diễn ra thường ngày ở một nơi đặc biệt với những con người đặc biệt đó là Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì. Họ sống một cuộc sống “độc lập” trong “ý thức” nhưng lại phải nhờ cậy vào sự chăm sóc của các y bác sĩ và sự hỗ trợ của cộng động, xã hội.

Những số phận kém may mắn 

7h30 phút mỗi sáng, sau khi tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong, gần 300 người bệnh tâm thần ở Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì (phường Vân Phú, TP. Việt Trì) lại bắt tay vào tham gia các hoạt động phục hồi chức năng diễn ra trong 2 giờ đồng hồ. Đây là một trong những hoạt động chính của  người bệnh nhằm góp phần cải thiện tình hình bệnh tật.

Trong số những người bệnh, chúng tôi đã gặp một người đàn ông với khuôn mặt khá sáng sủa mà nếu quan sát thôi thì ít ai nghĩ anh mắc bệnh tâm thần... Các bác sĩ ở đây cho biết, anh là Trần Văn Tiến quê ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vào Trung tâm này đã được hơn 2 năm trong tình trạng mắc bệnh tâm thần phân liệt. Sinh năm 1975, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Nguyên, anh được nhận vào làm bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Thế nhưng công việc vừa mới bắt đầu, anh muốn tập trung lo sự nghiệp trước nên chưa muốn lập gia đình thì cũng là lúc anh bị mắc bệnh với một số biểu hiện của bệnh tâm thần. Vì là bác sĩ đa khoa nên anh Tiến cũng có những cảm nhận được về tình hình sức khoẻ, tinh thần của bản thân. Khi nhận thấy mình có những biểu hiện nặng nề của bệnh anh  đi khám và được chẩn đoán bị bệnh tâm thần phân liệt! Khi mới vào trung tâm điều trị và phục hồi chức năng, anh Tiến chưa quen với môi trường điều trị cũng như phục hồi chức năng và thường xuyên có những biểu hiện ảo tưởng, hoang đường, hành vi vô thức... nhưng đến nay nhờ điều trị tích cực, bệnh của anh đã thuyên giảm. Trong những giây phút “tỉnh táo” khi được hỏi đã có gia đình chưa, anh Tiến nheo mắt, nhăn trán cố phát âm và trả lời chúng tôi rằng: “Đã từng có bạn gái nhưng chưa kịp cưới thì mắc bệnh nên người ta bỏ đi...!”... Cô độc, xa lánh, thậm chí coi như không có sự tồn tại trên đời cũng là cách đối xử của những người thân của nhiều người bệnh tâm thần. Vừa từ phòng ăn trở về phòng ở chung, chị Đoàn Thị Kim Huyền quê ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao vào Trung tâm được hơn 10 năm nên bệnh tâm thần của chị cũng đã được cải thiện phần nào. Chúng tôi muốn “thử thách” sự tỉnh táo của chị bằng cách để chúng tôi trực tiếp phỏng vấn chị. Chị nói nhát ngừng, nhát ngừng không thành câu, trên khuôn mặt không có chút biểu cảm rằng: “Đi làm may thuê ở Hà Nội, bị tai nạn giao thông, đập đầu vào xe công nông nên bị bệnh!”. Bác sĩ cũng chia sẻ thêm về hoàn cảnh của chị Huyền, chị cũng có chồng và con gái. Nhưng sau khi chị bị bệnh thì con chị chỉ còn bà ngoại để nương tựa vì chồng chị đã bỏ đi vào Sài Gòn sinh sống. Hay chị Nguyễn Thị Thu Hà quê ở xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba cũng có hoàn cảnh đáng thương. Lấy chồng cờ bạc, nên chị thường xuyên phải suy nghĩ nhiều, đau đầu, mất ngủ triền miên, dẫn đến mắc bệnh tâm thần và đó cũng là lúc chồng chị bỏ chị đi lấy người đàn bà khác... 

 

24/24h cùng người bệnh...

Cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng ở Trung tâm không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn đơn thuần mà họ còn là “nhà tâm lý”, những người làm chủ “gia đình” trong một “ngôi nhà” có hàng trăm thành viên là những người bệnh tâm thần. Đây thực sự là nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết và hơn cả là tình thương, sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ những con người, những số phận kém may mắn.

Vừa dẫn chúng tôi đi gặp gỡ, giới thiệu cuộc sống sinh hoạt cũng như hoạt động phục hồi chức năng của người bệnh, bác sĩ Hoàng Anh Dũng - Trưởng Khoa tâm thần bệnh nhân nam chia sẻ những câu chuyện về bệnh tâm thần cũng như vấn đề điều trị, chăm sóc cho những “người bệnh đặc biệt”... Bác sĩ Dũng phân tích có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần, nhưng có tới 90% là vô căn, 10% nguyên nhân có thể thấy rõ được đó là tình trạng stress, trầm cảm, áp lực trong công việc, cuộc sống, những cú sốc tâm lý, tai nạn giao thông, yếu tố di truyền... Trong số khoảng 300 người bệnh ở Trung tâm, đối tượng trước khi mắc bệnh đã từng là tri thức, cán bộ công nhân viên chức cũng khá nhiều, bị mắc bệnh ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm hiện có 3 khoa: Khoa điều trị bệnh nhân nặng, Khoa phục hồi chức năng bệnh nhân nữ và Khoa phục hồi chức năng bệnh nhân nam. Song song với điều trị, phục hồi chức năng cũng là biện pháp quan trọng để giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên với người bị mắc bệnh tâm thần mãn tính thì khả năng khỏi bệnh là rất ít, người bệnh phải phụ thuộc vào thuốc và sống chung với căn bệnh cả đời. Do đó, việc chăm sóc của các bác sĩ, cán bộ, điều dưỡng nơi đây cũng luôn đòi hỏi sự kiên trì, tận tâm, trách nhiệm và yêu thương người bệnh như chính người thân của mình. Qua những câu chuyện với bác sĩ, điều dưỡng ở đây, được biết hiện nay người bệnh điều trị lâu nhất tại trung tâm là hơn 30 năm còn lại là những người vào được vài năm và mới vào theo diện đối tượng được bảo trợ và tự nguyện.

Tuy là căn bệnh khó có thể bình phục trở lại như người bình thường nhưng những người đã được điều trị một thời gian đã quen với môi trường sinh hoạt ở Trung tâm nên “lành hiền” hơn. Những người này được chuyển đến các khoa phục hồi. Còn những người bệnh nặng thì được điều trị tại Khoa điều trị bệnh nhân nặng, các bác sĩ, nhân viên luôn phải chuẩn bị tinh thần “đối phó” với những cơn la hét, chửi bới, đập phá, hành hung cán bộ và những người xung quanh thậm chí có hành vi tự sát mỗi khi người bệnh lên cơn, nhất là khi họ mới vào điều trị tại trung tâm. Khi đó bác sĩ không chỉ là những người trực tiếp điều trị bệnh mà phải vào vai “nhà tâm lý” dỗ dành người bệnh. Ngoài ra, do người bệnh không có người thân bên cạnh nên các bác sĩ, điều dưỡng nhiều lúc phải làm thay người thân chăm sóc, đôn đốc thậm chí trực tiếp giúp người bệnh từ những việc như tắm rửa, vệ sinh cá nhân, hết sức vất vả. 

Điều dưỡng trẻ Nguyễn Tú Anh chia sẻ: “Trước khi vào trung tâm, tôi cũng xác định đây là một môi trường công tác rất khó khăn, vất vả. Đến nay sau hơn một năm công tác, tôi cũng đã thấu hiểu công việc ở đây hầu như “không ngớt” và phải thường xuyên “sống” cùng người tâm thần rất áp lực. Tuy nhiên, tôi luôn coi đây là môi trường để tôi rèn luyện, tận tâm cống hiến và có cơ hội chia sẻ với những số phận kém may mắn, giúp đỡ họ, cùng họ vượt qua những khó khăn bệnh tật”. 

Một ngày được trải nghiệm, được “sống” cùng với người bệnh tâm thần cũng đã giúp chúng tôi hiểu, chia sẻ với công việc các cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng và với những số phận kém may mắn. Nhưng cho dù số phận họ kém may mắn thì họ vẫn không bị bỏ rơi. Họ đến Trung tâm như bước vào cuộc sống trong “ngôi nhà” thứ hai của mình dưới sự che chở, đùm bọc của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây.  

 

PTĐT