Tích cổ tại Đền Hùng
Cập nhật ngày: 20/09/2019 10:05
Khu di tích lịch sử đền Hùng được biết đến với đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng...nhưng không nhiều người biết, nơi cội nguồn này còn có nhiều tích cổ gắn với những kiến trúc, dấu ấn đặc biệt khác.

Cột đá thề

Cột đá thề nằm trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, bên phải của điện Kính Thiên, đền Thượng. Theo tích xưa kể lại, cột đá thề là tượng trưng cho lời thề của Thục Phán: "Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét chẳng sai, nước Nam trường tồn lưu ở miếu vũ Hùng Vương. Ví bằng vua sau nối nghiệp trái ước nhạt thề thì sẽ bị trăng búa gió rìu vùi dập làm cho cô độc !".

Tương truyền, Hùng Vương thứ 18 không có con trai, nhường ngôi cho con rể là Tản Viên. Thục Phán là cháu vua Hùng làm lạc tướng bộ lạc Tây Vu đem quân đến tranh ngôi, xảy ra chiến tranh Hùng – Thục. Tản Viên khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Cảm kích, Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh và phát thệ thề sắt son với cơ nghiệp họ Hùng.

Qua bao thăng trầm của thời gian, những dấu tích cột đá thờ nguyên bản đã thất lạc. Những năm 60 của thế kỷ trước, ngành Văn hóa có ý định dựng lại cột đá thề như một biểu tượng đoàn kết dân tộc và ngưỡng vọng tổ tiên. Đến năm 1968, cột đá thề được tôn tạo lên bệ để người dân thập phương về chiêm bái. Đến năm 2010, Dự án tôn tạo lại Cột đá thề được thực hiện, các chuyên gia đã tìm kiếm được cột đá bằng mã não nguyên khối, có khả năng trường tồn với thời gian, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc đền thờ trên đỉnh Nghĩa Lĩnh để thay thế cột đá thề trước đó. Năm 2011, cả khối đá lẫn bệ đá mã não nguyên khối được đưa lên đền Thượng an toàn, được dựng trên chính tâm của cột cũ. Toàn bộ các hạng mục tháo dỡ cột cũ chuyển lưu trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương. 

Bàn đá họp bàn việc nước của Hùng Vương và lạc hầu, lạc tướng

Đền Trung tại Khu di tích lịch sử đền Hùng được coi là nơi vua Hùng và các lạc hầu, lạc tướng họp bàn việc nước. Vậy nên ở giữa khoảng sân đền, có một bộ bàn đá 9 miếng hình tròn, mặt dẹt, xếp tròn thành bộ bàn đá. 

Những viên đá xếp tròn không được đẽo gọt, tạo khối mà sần sì, mộc mạc nguyên bản. Qua năm tháng mưa nắng, những hòn đá phủ rêu hiện rõ dấu vết cổ kính của thời gian. Khi tới thăm Khu di tích lịch sử đền Hùng, dừng chân ở đền Trung, du khách thập phương sẽ được các hướng dẫn viên kể về tích cổ gắn với sự hiện diện của bộ bàn đá cổ, nơi họp bàn việc  nước của vua Hùng và các lạc hầu, lạc tướng- một minh chứng còn lại của thế hệ anh linh tiên Tổ.

Giếng Rồng

Giếng Rồng hay còn gọi là Giếng cổ nằm ở lối xuống từ đền Thượng xuống đền Giếng. Tương truyền rằng nơi đây là nơi Tổ Mẫu Âu Cơ sau khi sinh bọc trăm trứng nở thành trăm người con đã dùng nước giếng nơi đây tắm cho các con. Giếng cổ có đường kính khá lớn, khoảng hơn 2m, thành giếng được ốp đá, phía bên trên được dựng mái che lợp ngói. Năm 2002, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật tại khu vực Giếng và phát hiện trong lòng giếng nhiều dấu tích văn hóa của các thời kỳ: Trần – Lê – Nguyễn…

Nhiều người thường nhầm lẫn Giếng Rồng với di tích đền Giếng nơi thờ hai vị công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa.  Thực tế hai địa điểm này hoàn toàn khác nhau. Từ Giếng Cổ, du khách tiếp tục xuống chân núi mới gặp đền Giếng thờ nhị vị công chúa đã có công dạy và giúp dân trồng lúa, có giếng Ngọc nơi công chúa soi gương, chải tóc./.

 

PTĐT