Trong hai lần về thăm Đền Hùng, lần thứ nhất vào ngày 19/9/1954, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng nhắc nhở toàn quân, toàn dân Việt Nam giữ gìn vững chắc non sông gấm vóc, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.
Lần thứ hai về thăm Đền Hùng vào đúng ngày Cách mạng tháng Tám năm 1962, tại đây ngoài việc căn dặn ý thức chính trị, phẩm chất cách mạng với lực lượng vũ trang, Người còn nhắc nhở: “Chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan” (trích lời giới thiệu sách “Bác Hồ về thăm Đền Hùng”, Tỉnh ủy Phú Thọ, 8/2009)
Tại hội thảo khoa học Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng, PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng: “Chú ý bảo vệ”, hẳn Người muốn nhấn mạnh tới việc bảo tồn di tích; “trồng thêm hoa, cây cối” hẳn Người muốn nhấn mạnh nội dung tôn tạo di tích, làm cho di tích ngày một trang nghiêm đẹp đẽ “để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan”. Suy nghĩ này của PGS.TS Phạm Mai Hùng được nhiều người đồng tình bởi sự phù hợp và thiết thực. Thực tế những chữ “bảo vệ”, “trồng thêm hoa cây cối”, “trang nghiêm”, “đẹp đẽ”, “tham quan” đều là những chữ có ý nghĩa sâu sắc về giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, để khẳng định việc quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích Đền Hùng trong những năm qua của tỉnh là đúng với mong muốn của Bác.
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và tấm lòng hảo tâm công đức của các địa phương, doanh nghiệp, của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước, công tác tu bổ, tôn tạo và xây dựng các công trình trong di tích ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả. Toàn bộ khu I gồm có các công trình kiến trúc cổ trên núi Hùng, đó là: Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Trung, Đền Hạ, chùa Thiên Quang, Gác chuông, Bảo tháp, Cột đá thề, Đền Giếng và rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt và được tu bổ đồng bộ, khang trang bằng các vật liệu bền vững nhưng vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ kính. Các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối được khôi phục bổ sung. Khu sân vườn các đền được cải tạo, hệ thống đường hành hương, tại Khu di tích được sửa chữa nâng cấp, trồng bổ sung các loại cây bản địa và các lớp thảm thực vật tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và trang nghiêm hơn
Khác với việc xây dựng, sửa chữa các công trình dân dụng, công việc tu bổ di tích là một lĩnh vực khoa học đặc thù. Ông Lê Đức Thọ - Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng cho biết: Để thực hiện tốt, cần phải có kiến thức và sự phối hợp của nhiều ngành khoa học vì trong quá trình thực hiện tu bổ các công trình còn mang tính bảo tồn lịch sử, văn hóa. Một yếu tố quan trọng nữa chi phối chất lượng công trình tu bổ di tích là vật liệu kiến trúc. Vì thế, các công trình tu bổ, xây dựng các đền, chùa tại Đền Hùng đều là những vật liệu có chất lượng cao, được sản xuất bằng vật liệu truyền thống nên có tính bền vững.
Từ năm 1996 đến nay, các công trình kiến trúc Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giếng được đại trùng tu, tiếp tục mở mang các công trình kiến trúc thờ tự quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi cội nguồn, để hình thành nên hệ thống đền thờ cha Rồng, mẹ Tiên. Năm 2005, xây dựng Đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn, xây dựng Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân năm 2007 trên núi Sim bằng nhiều nguồn kinh phí của Nhà nước và nguồn kinh phí xã hội hóa do các tập thể, cá nhân tham gia đóng góp. Việc xây dựng tôn tạo các công trình kiến trúc thờ tự trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được Nhà nước và nhân dân với rất nhiều nguồn nhân tài, vật lực, từ nhiều tầng lớp trong xã hội và từ nhiều miền đất nước cùng góp công xây dựng.
Ông Nguyễn Duy Anh - Giám đốc Khu DTLS Đền Hùng khẳng định: Trong 5 năm trở lại đây, một số công trình được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa đã góp phần làm cho diện mạo di tích ngày càng uy linh, sạch đẹp. Tiêu biểu trong đó có hạng mục công trình tu bổ tôn tạo Chùa Thiên Quang và khu vực Đền Hạ do thành phố Hà Nội và Tập đoàn Him Lam công đức; công trình Cổng vào Khu trung tâm lễ hội Đền Hùng từ nguồn ủng hộ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; cải tạo hệ thống đường, bậc lên xuống các đền tại núi Nghĩa Lĩnh bằng việc thay thế toàn bộ đá xây, đá lát, đá bó vỉa từ đá Hải Lựu bằng đá granit Bình Định màu ghi do các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp. Gần đây nhất là công trình cải tạo, chỉnh trang khu vực ngã 5 Đền Giếng. Có thể nói, các công trình tu bổ, tôn tạo tại Khu di tích đã từng bước góp phần “để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan” như lời Bác căn dặn.
Nhìn lại mốc thời gian từ khi có Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Đền Hùng của Thủ tướng Chính phủ (tháng 4/2004) đến nay đã 15 năm, Phú Thọ đã xây dựng Đền Hùng xứng tầm với vị thế là Di tích Quốc gia đặc biệt - trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng Tổ tiên của dân tộc, thực sự trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đền Hùng vẫn bảo tồn được những nét cổ kính và không gian lễ hội đặc sắc, cùng với đó có thêm nhiều hạng mục công trình văn hóa mới, các cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường được đầu tư khang trang để phục vụ và thu hút đông đảo du khách về bái Tổ. /.