Lịch sử Đảng bộ tỉnh còn ghi lại những mốc son, tên người, tên địa danh, những con số đã làm nên trang sử vẻ vang của vùng Đất Tổ-nơi cội nguồn của dân tộc. Phong trào cách mạng theo đường lối của Đảng bắt đầu xuất hiện ở Phú Thọ từ thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939); hình thành vài tổ chức ái hữu, vận động đòi quyền dân chủ trong nhân dân ở thị xã Việt Trì (nay là thành phố Việt Trì), Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, thị trấn Hưng Hóa (Tam Nông), Cát Trù- Thạch Đê (Cẩm Khê)... Hoạt động cách mạng trong tỉnh thời gian này chưa nhiều nhưng đã gây ảnh hưởng nhất định cho việc xây dựng cơ sở Đảng sau này.
Khoảng tháng 8 năm 1939, chi bộ Cát Trù- Thạch Đê (hay còn gọi là chi bộ “Đọi Đèn”- tên một dãy núi ở phía Nam huyện Cẩm Khê) ra đời. Từ chi bộ đầu tiên, các chi bộ Đảng ở Thái Ninh (Thanh Ba), Phú Hộ (Phù Ninh) và Nhà máy bột giấy Việt Trì lần lượt được thành lập. Hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, kẻ thù luôn rình rập, song các cán bộ Đảng đã vượt lên hoàn cảnh, thường xuyên gần gũi, làm cho quần chúng giác ngộ dần về quyền lợi chính trị và giai cấp. Thông qua hoạt động cụ thể, các cán bộ Đảng đã lựa chọn một số quần chúng sớm giác ngộ để tuyên truyền, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến đầu năm 1940, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 10 đảng viên ở 4 chi bộ (Cát Trù - Thạch Đê, Thái Ninh, Phú Hộ, Nhà máy bột giấy Việt Trì). Đây là tiền đề để đến tháng 3 năm 1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Ban cán sự (tức Tỉnh ủy Lâm thời) tỉnh Phú Thọ gồm 5 ủy viên và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên trực tiếp phụ trách, chỉ đạo cơ sở, nhất là những nơi có vị trí quan trọng.
Các tổ chức cơ sở Đảng lần lượt được thành lập ở các địa phương đã góp phần lãnh đạo nhân dân lao động sẵn sàng đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến. Trong 5 năm (từ năm 1940-1945), tại Phú Thọ đã hình thành được 3 chiến khu: Chiến khu Vần-Hiền Lương nằm trong địa phận thượng huyện Hạ Hòa và một phần đất Yên Bái cùng với 2 căn cứ Vạn Thắng ở Cẩm Khê và Phục Cổ ở Yên Lập, nơi chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Cũng thời gian này, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái (gọi tắt là Ban cán sự liên tỉnh Phú Yên) để lãnh đạo phong trào cách mạng ở 2 tỉnh. Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Thọ cũng được thành lập.
Trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng và Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang ở chiến khu và các căn cứ được nhân dân các địa phương ủng hộ đã khởi nghĩa lật đổ chính quyền tay sai Nhật ở các huyện Hạ Hòa (2/8); Thanh Sơn (11/8); Thanh Ba (15/8); Cẩm Khê, Đoan Hùng (17/8); Phù Ninh, Tam Nông, Yên Lập (18/8); Hạc Trì, Lâm Thao (20/8), Thanh Thủy (22/8).
Tại thị xã Phú Thọ nơi có bộ máy đầu não của chính quyền tay sai Nhật, khó khăn hơn nhiều so với các huyện. Tại đây quân Nhật vẫn còn đông và rất ngoan cố. Từ ngày 21/8 các lực lượng vũ trang ở các căn cứ và chiến khu siết chặt vòng vây xung quanh thị xã, đồng thời tiến hành vận động và đàm phán với quân Nhật. Sáng ngày 25/8/1945, lực lượng vũ trang cùng với đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thị xã Phú Thọ, chính quyền đã về tay nhân dân. Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ngay sau đó tại sân vận động thị xã Phú Thọ. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh chính thức ra mắt trước hàng vạn người tham dự lễ mít tinh mừng thắng lợi. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày sau khi có lệnh tổng khởi nghĩa, tất cả các huyện và thị xã trong toàn tỉnh đã được giải phóng, chính quyền thuộc về tay nhân dân.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Phú Thọ đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong phạm vi cả nước để khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám 74 năm sau mùa thu Cách mạng và 79 năm kể từ ngày được thành lập, đến nay Đảng bộ tỉnh đã có những bước trưởng thành và phát triển về mọi mặt. Từ 4 chi bộ Đảng với gần 20 đảng viên đến nay toàn Đảng bộ có 18 Đảng bộ trực thuộc với gần 800 tổ chức cơ sở Đảng và trên 100 nghìn đảng viên.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị. Tình hình chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục phát triển toàn diện. Hàng năm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đạt kết quả khá, trong đó đã huy động từ nguồn vốn xã hội hóa đầu tư một số công trình trọng điểm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục được nâng lên cả về giáo dục mũi nhọn và giáo dục toàn diện. Hệ thống y tế được củng cố, y tế ngoài công lập có bước phát triển cả về mạng lưới và chất lượng khám chữa bệnh. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,34%, trong đó, từng khu vực cụ thể đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, mỗi địa phương từ thành thị đến nông thôn đổi thay từng ngày. Các đô thị với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, hạ tầng kỹ thuật ngày một đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình trọng điểm về giao thông được hoàn thành. Các KCN, CCN được quy hoạch, xây dựng thu hút nhiều nhà đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp vào khai thác. Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có hơn 90 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng nghìn công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án phát triển sản xuất được đầu tư đã làm đổi thay diện mạo nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Mùa thu Cách mạng năm xưa sục sôi khí thế giành độc lập dân tộc. Mùa thu năm nay đi trên những con đường thẳng tắp, những cây cầu mới nối đôi bờ vui, các khu công nghiệp rộn tiếng máy, các trung tâm thương mại đèn điện sáng trưng để cảm nhận những đổi thay, những bước phát triển của quê hương đất nước cũng như những thành quả của Cách mạng Tháng Tám được phát huy trong công cuộc đổi mới hôm nay./.