Vu Lan: Mùa báo hiếu
Cập nhật ngày: 15/08/2019 11:17
Tháng 7 âm lịch đã đến, đây được gọi là mùa Vu Lan báo hiếu. Mùa Vu Lan báo hiếu là thời điểm mà những người con cháu không ai bảo ai, đều tự cảm thấy lòng mình bâng khuâng niềm tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ.

Tục truyền, vào ngày này, mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng.

Sự tích Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của ông Mục Liên. Mục Liên sau khi quy y cửa Phật và trở thành một đệ tử  lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông, được liệt vào một trong những đệ tử thần thông đệ nhất của Phật. Sau khi thành chính quả, Mục Liên nhớ về mẹ mình nên đã dùng huệ nhãn tìm kiếm. Thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm quỷ đói nơi đại ngục, chịu đói khát, bị hành hạ khổ sở, thân hình tiều tụy, bụng ủng đầu to. Ông đã mang cơm xuống tận cõi quỷ dâng mẹ, nhưng cứ đưa bát cơm đến gần miệng, lại bị quỷ đói lâu ngày tranh cướp, nên mẹ phải lấy tay che bát cơm, thức ăn liền biến thành than đỏ, không sao ăn được. Đau đớn, ông quay về xin Đức Phật, xin cách cứu mẹ. Phật bảo: vì mẹ ông mắc nhiều nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước nên phải làm quỷ đói, dù ông có thần thông quảng đại hay tận hiếu đến bao nhiêu cũng không đủ sức cứu mẹ mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo, cùng cầu xin cứu rỗi cho mẹ mới được. Phật dạy Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về. Phật lại dạy Mục Liên sắm đủ các món thức thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay... dâng cúng các vị chư tăng. Vào đúng dịp Rằm tháng 7, lập trai đàn để cầu nguyện. Trước khi thọ thực, các vị chư tăng sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát... Nhờ đó, vong mẫu của ông đã được thoát kiếp quỷ đói, về với cảnh giới. Cách thức cúng cầu siêu đó được gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng gọi là Vu Lan bồn bội. Vu Lan phiên âm trong tiếng Phạn là Ullambana, dịch theo tiếng Hán là giải - đảo - huyền, có nghĩa là giải cứu tội nhân đọa trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh bị nghiệp lực hành hạ khổ đau.

Từ tích truyện này mà hàng năm cứ đến rằm tháng 7, bên cạnh lễ Vu Lan thì người Việt Nam cũng làm lễ cúng chúng sinh, cô hồn, xá tội vong nhân đều với mục đích báo hiếu và làm phúc.

Nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 Âm lịch) là một nghi thức đặc biệt của Phật Giáo Việt Nam. Càng đặc biệt hơn, nghi thức này do giới Phật tử trẻ tuổi tại miền Nam đưa vào Phật Giáo từ hơn 40 năm về trước. Sau đó không lâu, nó đã trở thành một nghi thức có tính truyền thống trong lễ Vu Lan. Cũng từ đó nghi thức cài bông hồng trong ngày Vu Lan được phổ thông hóa và trở thành ngày lễ trong Phật giáo. Cho nên hằng năm, cứ đến mùa Vu Lan Báo Hiếu, hầu hết người Việt Nam là Phật tử, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều đến chùa tham dự lễ “Bông Hồng Cài Áo”, để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các đấng song thân, dù còn hiện tiền hay không còn trên cõi đời này.

Theo Giáo sư -Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh – Giám đốc TT Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ - Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ - Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn.

Nhất là với người trẻ chúng ta khi nhớ về Mẹ - Cha, bậc sinh thành yêu quý mà trong nhịp thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại, ai đó đã có phút sao nhãng, lãng quên. Mùa báo hiếu tháng 7 Âm lịch cũng là dịp để ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới những số phận nghèo khó, không may mắn xung quanh mình.

Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Những ngày tháng Bảy âm lịch, nhà lại nhà, trên khắp nước Việt mình đều thành kính bước vào mùa Vu Lan, mùa báo hiếu.

Tới ngày Rằm tháng Bảy, các Bà, các Mẹ, các Chị dù bận đến đâu cũng cẩn trọng sắp mâm cỗ đầy, thành kính dâng tặng tổ tiên, ban cho chúng sinh và chuyển đi thông điệp nhân văn của cuộc sống: Hãy nghĩ về Mẹ - Cha, mở lòng với đồng loại để thương yêu nhau nhiều hơn./.

 

Ngọc Hà (Sưu tầm và Biên soạn)