Toàn tỉnh hiện có 2.887 KDC, trong đó KDC thuộc thị trấn miền núi là 132 khu; KDC thuộc phường, thị trấn đồng bằng là 181 khu; KDC thuộc xã miền núi là 2.167 khu; KDC thuộc xã đồng bằng là 407 khu. Trên thực tế, việc phân bổ hộ dân cư của tỉnh không đồng đều, nhiều KDC có số hộ dân thấp, các tổ chức ở KDC hoạt động chưa phát huy hết khả năng tự quản. Hiện toàn tỉnh có 719 KDC thuộc xã miền núi có số hộ dân dưới 100 hộ; 338 KDC thuộc xã đồng bằng có số hộ dân dưới 200 hộ; 44 KDC thuộc thị trấn miền núi có số hộ dân dưới 150 hộ và 91 KDC thuộc phường, thị trấn đồng bằng có số hộ dân dưới 250 hộ.
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, nhập 80 ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2019 - 2021. Do các KDC trên địa bàn tỉnh cơ bản đặt tên theo số thứ tự, nhiều KDC thuộc ĐVHC cấp xã khi sắp xếp, sáp nhập sẽ trùng tên, cần phải điều chỉnh, đổi tên KDC khi sáp nhập. Chính vì vậy, để đảm bảo đồng bộ giữa việc sắp xếp KDC với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh đã xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập các KDC với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện sắp xếp các KDC ở ĐVHC cấp xã không thực hiện sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021 với 711 KDC; giai đoạn 2, thực hiện sắp xếp, đổi tên KDC ở ĐVHC cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021 với 327 KDC. Tổng số KDC phải sắp xếp, sáp nhập là 1.038 khu.
Tại hội nghị BTV Tỉnh ủy diễn ra vào ngày 21/6, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Phú Thọ là 1 trong 5 tỉnh, thành phố của cả nước có số lượng các KDC và xã, phường, thị trấn phải thực hiện sáp nhập cao. Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện các bước sắp xếp, sáp nhập theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo sự đồng thuận, ổn định trong nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, việc sắp xếp, sáp nhập các KDC được các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo có số hộ dân từ 100 hộ trở lên đối với KDC thuộc xã miền núi, vùng cao; KDC thuộc thị trấn miền núi có số hộ dân từ 150 hộ trở lên; khu thuộc xã đồng bằng có số hộ dân từ 200 hộ trở lên và khu thuộc phường, thị trấn đồng bằng có số hộ dân từ 250 hộ trở lên. KDC sau sắp xếp, sáp nhập có vị trí liền kề, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã. Các KDC thực hiện sáp nhập đều tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, thuận tiện trong việc xây dựng và thực hiện quy chế, hương ước, quy ước và hoạt động sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Đồng thời, không thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập đối với KDC nằm hoàn toàn biệt lập hoặc KDC có đặc trưng về tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy, sau sắp xếp, sáp nhập toàn tỉnh còn 2.351 KDC, giảm 536 khu so với trước.
Trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn nhất định, song các địa phương đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện. Thời gian tới, sau khi Đề án của tỉnh được thông qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập các KDC đảm bảo các KDC thực hiện sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 1 kiện toàn tổ chức và đi vào hoạt động ổn định trước tháng 10/2019; các KDC thuộc diện sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2 sẽ tiến hành đồng bộ với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, kiện toàn và đi vào hoạt động sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập các ĐVHC cấp xã. Tỉnh sẽ sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để người dân cũng như cán bộ KDC ổn định tư tưởng, yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.