Các đội sẽ tham dự hai phần thi là gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy. Các đội thi thực hiện gói 10 chiếc bánh chưng từ 5kg gạo nếp, 1kg đỗ xanh, 1kg thịt lợn trong thời gian tối đa 10 phút; thổi 5kg gạo nếp thành xôi trong thời gian tối đa 30 phút, giã và làm thành 10 chiếc bánh giầy trong thời gian tối đa 15 phút. Sản phẩm sau khi hoàn thành phải đạt tiêu chí về thẩm mỹ, bánh chưng phải chín rền, đảm bảo thơm ngon, mùi vị hấp dẫn; bánh giầy phải dẻo, mịn, trắng, bánh tròn, thành cao, bày trên mâm có dán chữ “Phúc” màu đỏ.
Theo truyền thuyết, bánh chưng, bánh giầy là biểu tượng của trời, đất, được chế biến từ hạt lúa nếp thơm, một sản phẩm tiêu biểu của nghề trồng lúa nước có từ thời Vua Hùng. Hai loại bánh đặc biệt này được gắn với tục thờ cúng tổ tiên, với tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam. Với tấm lòng thành kính, các đội thi đã chọn nguyên liệu làm bánh ngon nhất, thao tác nhanh và chuẩn xác nhất để có thể hoàn thành việc gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy trong thời gian ngắn nhất mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Hội thi là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động phục vụ nhân dân về dự Lễ hội Đền Hùng nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Sau khi kết thúc Hội thi, các đoàn sẽ dâng sản vật lên đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Hai đội đoạt giải Nhất hội thi “Gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy dâng lên Vua Hùng” năm nay sẽ được gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy để dâng bánh lên Vua Hùng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm sau./.