Bà Nguyễn Thị Thủy, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Minh Phương, thành phố Việt Trì cho biết: Đầu tháng 3, lúc mới có thông tin xuất hiện dịch bệnh, rất ít người mua thịt lợn do tâm lý hoang mang. Trước đó, tôi bán khoảng 3 con/ngày nhưng thời điểm đó gần như không ngày nào bán hết 1 con. Tuy nhiên, việc đó chỉ diễn ra trong khoảng hơn một tuần, sau đó sức tiêu thụ trở lại ổn định, nhất là khi chúng tôi cam kết bán lợn thịt đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng. Đối với việc sử dụng thịt lợn làm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, bà Nguyễn Thị Kim Tiến ở khu Trung Phương, phường Minh Phương cho biết: Thịt lợn là loại thực phẩm gần như ngày nào cũng có mặt trong bữa cơm do dễ ăn, dễ chế biến nên gia đình tôi vẫn sử dụng thường xuyên. Thời gian đầu, mọi người cứ truyền tai nhau về dịch bệnh, nhiều người sợ không dám ăn thịt lợn. Sau đó, thông qua ti vi, báo chí, mạng… chúng tôi đều biết bệnh này không lây sang người, vi rút có thể bị diệt hết khi nấu chín và tỉnh mình vẫn chưa xuất hiện dịch nên rất yên tâm sử dụng. Không chỉ các gia đình, tại các quán ăn, nhà hàng, thịt lợn vẫn được đại đa số thực khách lựa chọn làm món ăn chính trong bữa ăn. Anh Lê Văn Thục, chủ nhà hàng Long Thục 2 ở đường Nguyễn Du, thành phố Việt Trì nhận xét: Trên 90% thực khách vào nhà hàng chúng tôi đều gọi món chế biến từ thịt lợn. Tuy là nhà hàng nhỏ nhưng bình quân tôi tiêu thụ khoảng trên dưới 20kg thịt lợn/ngày.
Ngoài Việt Trì, theo ghi nhận của chúng tôi, ở hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh, việc tiêu thụ thịt lợn vẫn khá ổn định. Đánh giá về tình hình tiêu thụ thịt lợn ở địa phương, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, xã giáp ranh với tỉnh Hòa Bình cho hay: Ngay từ đầu, UBND huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân nên việc kinh doanh và sử dụng thịt lợn ở xã vẫn ổn định. Đến thời điểm này đàn lợn của tỉnh chưa phát sinh dịch bệnh là sự nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Sự kiên quyết trong việc cấp giấy kiểm dịch vận chuyển, xác nhận nguồn gốc và tình trạng lợn trước khi đưa vào giết mổ cũng khiến giá lợn hơi trên thị trường tương đối ổn định, thậm chí tăng nhẹ. Ông Nguyễn Quốc Toản, chủ một trang trại lợn ở xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy cho biết: Khi biết tin các tỉnh, thành phố như Hòa Bình, Hà Nội có dịch bệnh, nhiều thương lái tìm đến để ép chúng tôi bán với giá rẻ, chỉ từ 31.000 đến 33.000 đồng/kg nhưng chúng tôi kiên quyết không bán. Mặc dù sau khi tỉnh Vĩnh Phúc công bố xuất hiện dịch, nhưng tại Phú Thọ vẫn đảm bảo an toàn, giá lợn đã tăng thêm từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg, hiện nay đang ổn định ở mức 34.000 đến 35.000 đồng/kg. Nếu lợn đẹp thương lái mua với giá 38.000 đến 40.000 đồng/kg. Nhà tôi vừa xuất chuồng 80 con, có đầy đủ giấy tờ xác nhận nên bán được giá 38.000 đồng/kg. Để đảm bảo sản xuất không bị ảnh hưởng và người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt lợn cũng như các sản phẩm từ thịt lợn, ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y khuyến cáo: Tất cả các hộ chăn nuôi nên liên kết để đăng ký xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, các trang trại có quy mô lớn thì xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Khi được cấp chứng nhận, với quy trình quản lý nghiêm ngặt theo đúng quy định thì kể cả trong thời gian có dịch, hoặc địa phương xuất hiện dịch bệnh, sản phẩm của cơ sở, vùng an toàn vẫn được xuất bán bình thường.
Hiện nay, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tạm lắng, không còn bùng phát mạnh như thời gian đầu, đã có một số địa phương được công bố hết dịch. Tuy nhiên, không vì thế mà người chăn nuôi và người kinh doanh chủ quan trong công tác phòng dịch, đặc biệt là các hộ kinh doanh vận chuyển bởi những tỉnh, thành giáp ranh với Phú Thọ vẫn chưa công bố hết dịch. Do đó công tác kiểm dịch vận chuyển, xác nhận nguồn gốc và tình trạng lợn vẫn cần được duy trì chặt chẽ, thậm chí ngay cả khi đã hết dịch, vừa tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững vừa tạo điều kiện cho người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn.