60 năm làm theo lời Bác về phát triển công nghiệp
Cập nhật ngày: 08/04/2019 12:45
Ngày 13/4/1959 giữa lúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đang ra sức thực hiện kế hoạch 3 năm (1958- 1960) “cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt, Bác đã về thăm công trường xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì.

         Bác nói: “Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vùa Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta chọn Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả nước”. Khắc ghi lời dạy của Bác, 60 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã nỗ lực đẩy mạnh CNH, HĐH. Công nghiệp Phú Thọ đã có những đóng góp to lớn  vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.                                                      Phú Thọ là tỉnh có nền công nghiệp phát triển tương đối sớm. Thời kỳ những năm 1959-1960, cùng với Khu công nghiệp Việt Trì được xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp địa phương lần lượt ra đời đã góp phần phục vụ kịp thời cho công cuộc khôi phục và xây dựng phát triển kinh tế. Sau khi hoàn thành công cuộc cải tạo và khôi phục kinh tế (1961-1965) với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, công nghiệp Phú Thọ ngày càng được chú trọng phát triển, nhờ đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2,71 lần so với năm 1960. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc (1966-1975) sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp bị địch đánh phá ác liệt, gây tổn thất nặng nề. Vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc hàng trăm thanh niên trong ngành công nghiệp tỉnh đã rời xưởng máy xung phong lên đường nhập ngũ. Công nghiệp Phú Thọ đã kịp thời chuyển hướng sản xuất phục vụ nhu cầu hậu cần tại chỗ  và nhu cầu quốc phòng.

       Sau khi giải  phóng miền Nam thống nhất đất nước công nghiệp được xếp lại cho phù hợp với tình hình mới. Những năm 1975-1985 là thời kỳ công nghiệp Phú Thọ phát triển ổn định. Thực hiện chủ trương của Nhà nước một số doanh nghiệp đã mở rộng hình thức khoán sản phẩm gắn lợi ích người lao động với kết quả sản xuất kinh doanh. Một số xí nghiệp thí điểm xoá dần bao cấp của Nhà nước. Giá trị sản xuất công nghiệp thời kỳ này tăng 11,5%/năm. Giai đoạn 1985-1996 Nhà nước chuyển sang cơ chế quản lý mới, xoá bỏ bao cấp các đơn vị hoạt động theo cơ chế thị trường. Sản xuất công nghiệp Phú Thọ gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian chao đảo sản xuất công nghiệp đã dần quen với cơ chế thị trường.  
        Còn nhớ, thời kỳ mới tái lập tỉnh, năm 1997, công nghiệp Phú Thọ mới chỉ có hơn 100 doanh nghiệp. Kết quả phân loại doanh nghiệp năm 1997 theo tiêu chí của Chính phủ quy định, số doanh nghiệp Nhà nước sản xuất kinh doanh có hiệu quả chỉ chiếm 51%, còn 49% doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đề ra phương án tiếp tục sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nhờ vậy sản xuất CN-TTCN đã có bước phát triển khá rõ nét, các cơ sở công nghiệp được đầu tư đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Trong 4 năm 1997-2000 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng bình quân 25%/năm. Đến năm 2000, có 130 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đầu tư là 212 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp đã đóng  góp  từ 50-55% tổng thu ngân sách của tỉnh, thu hút thêm 53 nghìn lao động, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân. 

Quang cảnh bộ đội và công nhân xây dựng Nhà máy điện Việt Trì. Ảnh tư liệu

        Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng đào tạo ngày càng cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, Phú Thọ ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Việc xây dựng và phát triển các KCN là một trong các giải pháp quan trọng đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH tỉnh Phú Thọ và được triển khai thực hiện theo các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Trong những năm gần đây, bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tỉnh ta cũng đang tập trung quy hoạch và phát triển nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh.
        Các KCN được kết nối với nút lên xuống của đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 32C và quốc lộ 2; thông thương với Thủ đô Hà Nội, Cảng Hải Phòng; các tỉnh Tây Bắc và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Đến thời điểm này, các khu, CCN đã thu hút được trên 120 dự án trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp trong các khu, CCN đã thu hút và tạo việc làm ổn định cho trên 30.000 lao động với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Việc phát triển các KCN, CCN đã làm thay đổi quy mô công nghiệp của tỉnh so với nhiều năm trước. Với nhiều dự án mới đi vào hoạt động trong các khu, CCN đã làm tăng năng lực và quy mô của một số ngành sản xuất như vật liệu xây dựng, điện tử, sản xuất thép, chế biến nông sản, thực phẩm; tăng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Đầu tư phát triển mạnh mẽ vào các KCN, CCN  nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước được coi là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời cũng là hướng đi phù hợp, góp phần để thực hiện mục tiêu sớm đưa tỉnh ta  cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018 ước đạt trên 46.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đều đầu tư vào những lĩnh vực ngành nghề có lợi thế của tỉnh là chế biến nông, lâm sản thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón; hàng may mặc xuất khẩu... Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân cao hơn mức bình quân của cả nước. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, cùng với đổi mới công tác quản lý, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, phát huy hiệu quả hợp tác với các địa phương và hợp tác quốc tế, sản xuất công nghiệp có sự bứt phá mạnh mẽ. Công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. 
       Trong thời gian tới, khoa học và công nghệ phát triển nhanh, cách mạng công nghệ 4.0 và triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo điều kiện cho nước ta tiếp cận thị trường quốc tế, thu hút đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và CN-TTCN nói riêng đưa Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở Công thương chia sẻ: Tiếp tục ghi nhớ và làm theo lời căn dặn của Bác, nối tiếp truyền thống 60 năm tỉnh ta đã đạt được, trong thời gian tới, Sở Công thương phấn đấu thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quan tâm chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế có tiềm năng về công nghệ thị trường và vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên phát triển những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh và gia tăng kim ngạch xuất khẩu. 

PTĐT