Cần cái nhìn đúng về trẻ tự kỷ
Cập nhật ngày: 03/04/2019 10:07
“Tự kỷ có thể xảy ra không phân biệt giàu nghèo, giới tính, chủng tộc hay địa vị xã hội”. “Tự kỷ không phải là bệnh”, song hành trình can thiệp và đưa một đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ hòa nhập với cộng đồng lại rất khó khăn và đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Ngày 2 – 4 được Liên Hiệp Quốc chọn là “ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”. Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, trẻ em mắc hội chứng phổ tự kỷ cần được quan tâm một cách khoa học và đúng đắn.

Chị P – giáo viên ở thành phố Việt Trì đã có hơn 1 năm đồng hành cùng con trai chữa trị chứng tự kỷ. Khi nhận thấy con trai mình đến 22 tháng tuổi vẫn chưa biết nói, chị P đã theo dõi và đưa cháu đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị mắc hội chứng phổ tự kỷ giảm giao tiếp. Vốn là một giáo viên và có theo dõi báo đài về hội chứng này, chị P đã bỏ qua sự phản đối quyết liệt của gia đình và đưa con đi can thiệp tại một trung tâm uy tín về trẻ tự kỷ. Sát cánh bên con hơn một năm, gác công việc để chơi cùng với con, hiểu con và lắng nghe con, bé Bi hiện giờ đã có thể hát, gọi mẹ, gọi bà và diễn tả được suy nghĩ của mình bằng ngôn ngữ - một điều vô cùng bình thường đối với đứa trẻ khác lại là sự phi thường đối với trẻ tự kỷ.

TS Tâm lý học Lê Thị Xuân Thu – Giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Hùng Vương đã có 4 năm gắn bó với trẻ tự kỷ. Đối với chị, điều khó khăn nhất để đưa những nhận thức đúng đắn về trẻ tự kỷ đến với cộng đồng lại chính là tâm lý e ngại và không muốn đối mặt của nhiều phụ huynh. Đa số người dân vẫn cho rằng tự kỷ là “bệnh”. Nhiều gia đình đã bài xích hoặc không chấp nhận việc con/cháu của mình bị “bệnh” nên đã lựa chọn phương án chờ đợi hay sử dụng những cách thức dân gian, phản khoa học mà bỏ lỡ mất thời điểm chữa trị “vàng’ cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Để chữa trị thành công cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ cần rất nhiều yếu tố, trong đó, vai trò của can thiệp sớm là rất quan trọng. Nghiên cứu khoa học chỉ ra, 0 đến 3 tuổi là giai đoạn tốt nhất để chữa trị và đưa trẻ tự kỷ hòa nhập thành công với cộng đồng. Trẻ càng lớn thì phổ tự kỷ sẽ lan càng rộng và gây khó khăn trong việc chữa trị. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cũng cần có những kỹ năng chuyên biệt và sự yêu thương, kiên nhẫn với trẻ.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, chưa có nhiều mô hình chuyên biệt dành cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Học phí cao, chỉ tập trung ở khu vực thành thị, hiểu biết của các bậc phụ huynh về trẻ tự kỷ còn hạn chế… là những lí do để rất nhiều trẻ tự kỷ không được hưởng một mô hình giáo dục hòa nhập. Và khi chưa có chính sách nhìn nhận thỏa đáng về trẻ em mắc chứng tự kỷ thì theo các chuyên gia, cha mẹ cần quan tâm và chăm sóc con cái nhiều hơn nữa để kịp thời phát hiện và có những biện pháp can thiệp kịp thời.

 

 

PTĐT