Là một loại hình nghệ thuật nghi lễ đặc sắc, phản ánh tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng nhân dân địa phương với các lời hát cầu chúc, khấn nguyện, rước thần linh về hưởng tế và phù hộ cho dân làng, hát Xoan còn phản ánh hiện thực, lịch sử của xã hội, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, ước mơ của nhân dân lao động, mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là một di sản văn hóa phi vật thể đã được nhân loại công nhận, rất cần được bảo vệ và gìn giữ.Với mục tiêu đó, các lớp dạy hát Xoan trên địa bàn thành phố thời gian qua đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, ở rộng. Tại lớp học, 50 học viên là các cán bộ hội viên phụ nữ, thành viên trong câu lạc bộ hát Xoan và hạt nhân văn nghệ của 22 khu dân cư phường Gia Cẩm đã được nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Lịch, các giảng viên trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và du lịch tỉnh truyền dạy các kiến thức cơ bản về hát Xoan và hát dân ca; nội dung các bài hát cổ; phần hát cách (còn gọi là quả cách). Sau đó là các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá...
Việc mở các lớp truyền dạy hát Xoan và dân ca sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho các hội viên, hiểu và trân trọng hơn những giá trị văn hóa dân gian của quê hương Phú Thọ, từ đó, cùng lưu truyền và nhân rộng trong các tầng lớp nhân dân. Lớp học sẽ được diễn ra trong thời gian 7 ngày, từ 6/7 đến 12/7.