Chỗ đứng của chợ truyền thống
Cập nhật ngày: 08/03/2019 15:32
Gần đây, các cửa hàng tiện ích (CHTI) và siêu thị mini xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, không vì thế mà làm mất đi thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại các chợ truyền thống.

Trong chuỗi CHTI đang phát triển phải kể đến hệ thống VinMart+ của tập đoàn Vingroup. Kể từ khi ra mắt thị trường vào tháng 11-2014, với sự phát triển nhanh chóng ấn tượng, đến nay trên địa bàn thành phố Việt Trì có tổng số 22 cửa hàng Vinmart+ đang hoạt động. Cùng với những Trung tâm thương mại lớn như BigC, Vincom, CoopMart, Vinmart+ đang góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người dân Việt Trì với những tiện ích khi mua sắm. Đầu tiên phải kể đến sự tiện lợi về mặt thời gian. Nếu như các chợ truyền thống chỉ họp từ sáng đến chiều tối hoặc đôi khi nửa ngày thì Vinmart+ mở cửa từ 6h sáng đến 22h30’ và lúc nào cũng có hàng để bán. Điểm mạnh nữa là, cũng giống như các siêu thị lớn, nguồn hàng hóa nhập về đây đều được kiểm định rõ ràng và nghiêm ngặt. Người tiêu dùng có thể tin tưởng vào chất lượng từng sản phẩm, và các mặt hàng đều được niêm yết giá cụ thể. Do đó, người tiêu dùng sẽ có tâm lý thoải mái, chủ động, không lo bị “chặt chém” hay bị “hớ” khi trả giá.

Với mặt hàng đa dạng về chủng loại, nguồn gốc, CHTI đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của khách hàng khi tìm đến, từ hoa quả, thực phẩm tươi, đồ khô, đến đồ hóa mỹ phẩm… Chị Nguyễn Minh Phượng, khách hàng quen thuộc của VinMart+ Lê Quý Đôn chia sẻ: “Mua đồ ở đây vừa đảm bảo chất lượng lại vừa tiện lợi. Vì thế, cũng đã khá lâu tôi không ra chợ.” Nhân viên cửa hàng cho biết 5h chiều là khoảng thời gian đông khách nhất, doanh thu trong ngày trung bình khoảng 11 triệu đồng, cao điểm có thể lên đến 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn là điểm đến thu hút đối với đông đảo người tiêu dùng bởi thói quen có từ ngàn đời tồn tại như một nét đẹp văn hóa của người Việt.

Theo ông Trần Xuân Lộc, Trưởng ban Quản lý chợ thành phố Việt Trì cho biết, Ngoài 4 chợ lớn, còn có rất nhiều chợ với quy mô nhỏ và vừa đang hoạt động trên địa bàn thành phố Việt Trì, chưa kể đến chợ cóc, chợ tạm phân bố rải rác tại các khu dân cư đông đúc. Do đó, chi tiêu ở kênh mua sắm truyền thống này vẫn cao. Một bộ phận dân cư, số đông là người lớn tuổi, nội trợ vẫn chọn chợ là kênh mua sắm thường xuyên do tính tiện lợi riêng như giá rẻ, gần nhà và dễ hình thành các mối quan hệ xã hội…

Tại chợ truyền thống, ưu điểm lớn nhất và nổi bật là giá cả rẻ hơn so với CHTI hay siêu thị từ 5-15%. Điều này được lý giải là do hàng hóa được bán tận gốc, tiết kiệm chi phí vận chuyển, bảo quản và thuế. Nhiều chợ có tiếng với những đặc sản, sản phẩm chất lượng cao của các làng nghề quanh vùng, hoặc “thương hiệu” được mọi người “kháo nhau” như bánh, bún hay dưa muối, dưa cà…

Một đặc trưng nữa mà chỉ ở chợ mới có đó là văn hóa chợ. Với môi trường mua bán thân thiện, giao tiếp giữa người mua và người bán đã dễ dàng hình thành các mối quan hệ xã hội, không khí trong chợ lúc nào cũng nhộn nhịp, náo nhiệt. 

So với chợ, CHTI là một bước tiến vượt bậc về phương diện văn hoá kinh doanh với nguyên tắc trung thực, sáng tạo, tôn trọng khách hàng, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, với văn hóa cộng đồng truyền thống của người Việt, chợ truyền thống vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng người dân. Dù là loại hình nào, dù cạnh tranh hay hỗ trợ thì người tiêu dùng vẫn là người được hưởng lợi nhiều nhất. Họ có thêm nhiều lựa chọn, được sử dụng những sản phẩm và dịch vụ ngày càng cao do sự phát triển không ngừng của hai loại hình này để đáp ứng sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, muốn tồn tại lâu dài và bền vững trong thời kỳ hội nhập, chợ truyền thống cần phải thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ về văn hoá kinh doanh để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng hiện nay. /.

 

Theo PTĐT