Chợ quê- nơi lưu giữ đậm nét truyền thống
Cập nhật ngày: 31/01/2019 07:58
Giữa ồn ào phố thị với nhiều siêu thị lớn bé được xây dựng và đưa vào sử dụng thì ở Việt Trì, chợ quê vẫn tồn tại với những nét truyền thống đặc trưng. Những ngày tết lại đến, chợ quê là nơi nhắc ta về những đặc trưng văn hóa xưa cũ đã bao đời cha ông để lại.

Hiện nay, ở Việt Trì, một số phường xã vẫn còn tồn tại “chợ quê” như phường Minh Nông với chợ Nú; xã Hùng Lô với chợ Xốm; xã Thụy Vân với chợ Thụy Vân… những tên chợ mà nếu ai sinh sống lâu năm ở thành phố Viêt Trì đều biết đến. Bởi từ lâu lâu lắm, đây là những nơi giao thương chính của người dân thành phố. Đây là những ngôi chợ được họp theo phiên với những phiên chính, phiên xép có quy định ngày cụ thể. Nét đặc trưng của chợ quê là tính tự cung, tự cấp. Hầu hết những món hàng được bày bán ở chợ đều do người nông dân tự tay làm ra. Cũng có các tiểu thương buôn bán chuyên nghiệp hơn với những sạp hàng cố định nhưng số đó không nhiều. Đôi khi chỉ là buồng cau, chục trứng, con gà, mớ rau tập tàng của nhà trồng được…, người dân cũng mang ra chợ bán và họ phải đi từ rất sớm để mong chọn cho mình một vị trí thuận lợi nhất. Bán thứ mình có và mua những thức mình cần, cứ như thế, người dân quê đi chợ đôi khi đóng vai cả người bán và người mua. Điều này, ở chợ thành thị hầu như không có và nó tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt cho mỗi phiên chợ quê truyền thống.

Bên những hàng quán thấp nhỏ, những cuộc mua bán diễn ra sôi nổi, đôi khi thu hút sự tham gia của cả những người đi chợ không có nhu cầu với món hàng đó. Người bán chào mời, ra giá cho hàng hóa của mình, còn người mua dù đã ưng món hàng nhưng vẫn cầm lên, đặt xuống, ra chiều còn do dự lắm chỉ cốt sao mặc cả được giá hời nhất. Mặc cả dường như đã trở thành một việc không thể thiếu khi người Việt đi chợ! Dù vậy, không khí của cuộc mua bán ở chợ quê vẫn rất vui vẻ, ai cũng xởi lởi dù bán được hàng hay không. Bởi ở đó, hầu như mọi người quen biết nhau, thuận mua, vừa bán, không thì lần sau quay lại. Ở chợ quê, cũng dễ dàng để bắt gặp cảnh dù không quen biết, người ta vẫn kéo áo nhau mà hỏi han rất thân tình kiểu: “Bác mua con gà kia bao nhiêu đấy”?, “Nải chuối của nhà nào mà đẹp thế? Chị mua mấy đồng”? Có thể thấy, như một bức tranh xã hội thu nhỏ, phiên chợ của mỗi miền quê ngoài thực hiện vai trò chính là nơi giao thương thì còn là nơi gặp gỡ, trao đổi của những người dân quanh vùng.

Trong cuộc sống hiện đại, tại thành phố Việt Trì cũng như các đô thị khác, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị dần thay thế chợ truyền thống. Tuy nhiên, vào dịp tết, người đến với chợ quê có vẻ đông hơn, tấp nập hơn bởi ai cũng muốn đến đây để tìm cho mình những lá dong, cây giang tươi xanh để gói bánh chưng hay con gà quê được nuôi dân dã, những loại rau nhà trồng… cho mâm cơm cúng tết. Có thể nói, đối với những người “nhà quê”, chợ phiên vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Nó đã trở thành một cái gì đó gần gũi, đã đi vào tiềm thức, vào tâm hồn họ bằng những hình ảnh mộc mạc, thân quen. Ngày nay, trong bộn bề, hối hả của cuộc sống hiện đại, nhiều người vẫn tìm về với những phiên chợ truyền thống, không phải để mua, để bán mà như một cách trở về với ký ức. Bởi chợ quê vẫn luôn là nơi lưu nét văn hóa của vùng miền, là nơi giữ hồn quê./.

                                                             

Minh Chính