Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vắc xin phối hợp 5 trong 1 Quinvaxem phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng Việt Nam từ năm 2010. Tuy nhiên, đến tháng 10/2016, nhà sản xuất ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem trên qui mô toàn cầu. Để đảm bảo tiêm chủng phòng các bệnh nêu trên cho trẻ em, được sự khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh tiêm chủng vắc xin toàn cầu (GAVI), Bộ Y tế xem xét và quyết định sử dụng vắc xin ComBE Five có thành phần tương tự để thay thế vắc xin Quinvaxem. Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại một số tỉnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai trên quy mô toàn quốc từ tháng 12/2018.
Tính đến thời điểm hiện tại, vắc xin ComBe Five đã được tiêm tại 28 tỉnh, thành với hơn 131 nghìn trẻ được tiêm. Ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... với tỉ lệ khoảng 2,5% cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương với tỉ lệ khoảng 0,05%.
Ông Nguyễn Trọng Oánh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế cho biết: Do thời gian vận chuyển vắc xin từ trung ương về tỉnh vào sau ngày tổ chức tiêm chủng thường xuyên của tỉnh nên không kịp triển khai trong tháng 12/2018. Từ tháng 1/2019, căn cứ số lượng vắc xin do trung ương cấp, ưu tiên tổ chức triển khai tiêm cho 4.849 trẻ tại 3 huyện có thời gian gián đoạn vắc xin Quinvaxem kéo dài là Lâm Thao, Cẩm Khê và Tam Nông. Từ tháng 2/2019 sẽ triển khai đồng loạt tại các huyện, thành, thị còn lại. Theo rà soát, tổng số trẻ trong độ tuổi cần tiêm vắc xin ComBe Five trên địa bàn tỉnh là khoảng 20.224 trẻ.
Ông Nguyễn Trọng Oánh cho biết thêm: Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, ngành Y tế đã triển khai tập huấn cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện về khám sàng lọc, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng theo hướng dẫn tại Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng.
Cùng với việc tổ chức tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiêm chủng, công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tới các gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh, những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm chủng và cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau khi tiêm được đẩy mạnh. Qua đó giúp người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác tiêm chủng.
Trong thời gian trước, trong và sau khi triển khai tiêm chủng vắc xin mới, ngành Y tế cũng thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc triển khai tiêm chủng; kịp thời phát hiện chấn chỉnh những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đơn vị, địa phương để bảo đảm việc tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Sở Y tế cũng yêu cầu tại các điểm tiêm chủng phải có số điện thoại của đội cấp cứu lưu động và Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc Trung tâm y tế huyện nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời khi cần.
Đối với các phụ huynh, sau khi cho con em đi tiêm vắc xin ComBe Five, ngoài thời gian theo dõi 30 phút tại trạm y tế, cần theo dõi trẻ trong 72 giờ tiếp theo. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt cao trên 39ºC, quấy khóc kéo dài, tím tái, phát ban, li bì… các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.