“Báu vật nhân văn sống”
Cập nhật ngày: 26/11/2018 09:57
Hát Xoan Phú Thọ là nghệ thuật dân gian đặc sắc, kết hợp được yếu tố văn hoá, lịch sử và nghệ thuật, độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa mang những nét đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng Đất Tổ. Cho đến nay làn điệu mượt mà ấy vẫn được gìn giữ, lưu truyền và có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng nhờ những nỗ lực của địa phương, nhân dân và đặc biệt là những nghệ nhân dân gian - “báu vật nhân văn sống”.

Phú Thọ hiện có 4 phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đái và Thét thuộc 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu của thành phố Việt Trì với 66 nghệ nhân hát Xoan, trong đó có 14 nghệ nhân hát Xoan vừa được vinh danh năm 2018. Việc trao tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan nhằm tôn vinh tài năng sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành truyền dạy giá trị, kỹ năng của làn điệu Xoan cổ tạo động lực để họ tiếp tục cống hiến trên sự nghiệp gìn giữ hồn cốt dân tộc.

Nghệ nhân hát Xoan được xem như “cầu nối” giữa nhân dân, thế hệ sau với bộ môn dân ca truyền thống nhằm gìn giữ, khơi dậy, phát huy giá trị tốt đẹp vốn có được đúc kết từ bao đời. “Mưa dầm thấm lâu”, để thế hệ sau hiểu, tự hào và phát huy được giá trị truyền thống của dân tộc, những nghệ nhân vẫn ngày ngày cần mẫm trên con đường lưu giữ, trao truyền làn điệu Xoan. Về xã Kim Đức, cái nôi của hát Xoan Phú Thọ, nơi đây có tới 3/4 phường Xoan cổ của Đất Tổ với những nghệ nhân “gạo cội” đảm đương công việc truyền lửa cho câu Xoan. Những nghệ nhân cao tuổi ở đây cho hay, trước khi Hát Xoan Phú Thọ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, họ vẫn giữ “lệ làng” đó là truyền dạy cho thế hệ con cháu hát Xoan theo phương thức truyền miệng. Sau đó, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tỉnh đã mở rộng hơn, tổ chức thành các lớp truyền dạy và thực hành hát Xoan cho nghệ nhân kế cận và trong cộng đồng. Các lớp học mở ra ngày càng thu hút đông đảo con em địa phương đến học, đông nhất là các cháu học sinh. Ông Nguyễn Xuân Hội - Phó phường Xoan Phù Đức chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi vì lứa tuổi thanh niên, học sinh đã tích cực tham gia học và biểu diễn hát Xoan. Giờ chúng tôi không còn phải lo lắng làn điệu Xoan bị mai một mà bảo nhau cố gắng truyền dạy để tiếp lửa cho thế hệ sau này trong việc bảo tồn, phát triển di sản nhân loại. Đồng thời ra sức tìm tòi, sưu tầm, khôi phục, gìn giữ, lưu chép những bài Xoan cổ đã hoặc có nguy cơ thất truyền”. 

Được biết, trong dịp vinh danh nghệ nhân hát Xoan năm 2018, quê hương Kim Đức tự hào với 8 cá nhân được trao tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan; họ sẽ là những nghệ nhân kế cận, tiếp nối trách nhiệm để mạch nguồn Xoan chảy mãi và vang xa. Trong số đó có những người đã “đắm đuối” với câu Xoan từ thủa nằm nôi trong những lời ru của bà, mẹ; lại có những người tuổi trẻ nhưng yêu thích, đam mê qua những lần theo ông đi biểu diễn trong xóm, làng. Dù “nặng lòng” với Xoan bởi cơ duyên nào thì với họ đây là niềm tự hào, vinh dự của cá nhân, gia đình. Tiếp chuyện chúng tôi với gương mặt ánh lên niềm vui, 2 chị em bà Nguyễn Thị Sen và Nguyễn Thị Ngà, con gái của nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Tú, hiện là thành viên của phường Xoan Phù Đức, Thét (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) không khỏi xúc động: “Vậy là chúng tôi đã thực hiện được di nguyện của mẹ trong việc gìn giữ làn điệu của quê hương, đất nước. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để chị em tôi cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Nhà nước, địa phương giao phó”. Với phương châm, trước hết là truyền tình yêu, dạy hát Xoan cho những thành viên trong gia đình, nhất là với cháu nhỏ, bà Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Ngà tranh thủ mọi thời gian dạy các cháu hát, múa những bài Xoan cổ. Vì thế mà, hiện nay các cháu đều biết hát, múa, thường xuyên tham gia các chương trình hát Xoan do địa phương, trường học tổ chức. 

Mỗi nghệ nhân hát Xoan giống như “sứ giả”, không chỉ có trách nhiệm trao truyền, truyền dạy mà còn làm sao để giữ đúng, dạy đúng những làn điệu Xoan cổ từ câu hát, động tác múa, đánh trống, gõ phách, đến trang phục, hóa trang, cách trình diễn… Nhận thức rất rõ điều đó, nhưng với ông trùm trẻ tuổi Nguyễn Văn Quyết- phường Xoan cổ Kim Đái (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì), một trong những người được vinh danh nghệ nhân vừa rồi thì tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung và trao truyền tới lớp kế cận, tới cộng đồng làm cho họ có tình yêu thực sự với Xoan là điều rất cần thiết và khó hơn rất nhiều. 9 năm miệt mài với công tác truyền dạy cho trên 800 học trò, nhận được sự yêu mến của họ đó như là động lực giúp anh vượt qua khó khăn, giữ vững tình yêu, sự gắn bó với Xoan. 

Hát Xoan Phú Thọ đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, điều này càng chứng minh những nỗ lực của các cấp chính quyền, đóng góp của người dân, sự cố gắng của các nghệ nhân đã đưa hát Xoan ngày càng lan tỏa sâu rộng vào đời sống nhân dân. Cùng với các di tích liên quan đến không gian trình diễn hát Xoan được khôi phục, tu bổ, tôn tạo, các phường Xoan gốc được quan tâm, trang bị, hỗ trợ hoạt động tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân hát Xoan tiếp tục “giữ lửa” và tiếp nối mạch nguồn Xoan. /.

Theo PTO