Bà Nguyễn Thị Sen với 20 năm trình diễn Hát Xoan
Cập nhật ngày: 12/10/2018 17:20
Học hát Xoan cổ từ năm 1990 dưới sự hướng dẫn của mẹ đẻ là bà Lê Thị Tú cùng sự chỉ dạy của nghệ nhân ưu tú Lê Xuân Ngũ - ông trùm của phường Xoan Phù Đức, bà Nguyễn Thị Sen ở khu 5, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì đã có hơn 20 năm tham gia trình diễn, thực hành Hát Xoan, có nhiều đóng góp cho công tác gìn giữ, bảo tồn Hát Xoan. Bà Nguyễn Thị Sen là một trong 18 người đang được UBND thành phố đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hát Xoan”.

Sau 8 năm học Hát Xoan một cách bài bản, năm 1998, bà Nguyễn Thị Sen chính thức tham gia vào phường Xoan Phù Đức đi hát ở nhiều địa phương và các làng kết nước theo nghi thức cổ truyền. Bà Sen chia sẻ: “Ngày trước việc đi lại không thuận tiện như bây giờ. Mỗi khi phường Xoan đi trình diễn ở các địa phương khác, chị em phải dậy, đi từ lúc trời còn tối om, mũ nón, tay nải đựng quần áo Xoan lên đường. Vất vả nhưng chưa bao giờ thiếu một ai”. Bà Sen năm nay đã 64 tuổi, tuổi cao nhưng bà vẫn miệt mài với Xoan, chăm chỉ theo phường Xoan đi trình diễn khắp nơi, chỗ nào gần Bà tự đạp xe đi hoặc đi bộ, chỗ nào xa Bà lại đi nhờ các thành viên trong phường hoặc con cháu đưa đi.

          Gần 30 năm gắn bó với Xoan, bà Nguyễn Thị Sen nắm vững 26 bài trong hát Xoan và trình diễn thành thục từng quả cách, hát hội, các động tác múa của hát Xoan. Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, bà Sen đã tổ chức truyền dạy lại cho chị em phụ nữ trong khu và các cháu ở mọi lứa tuổi trong cộng đồng, trau dồi kiến thức cho các cháu về những giá trị di sản hát xoan Phú Thọ, để bảo tồn di sản Hát Xoan Phú Thọ được mãi mãi trường tồn của toàn cộng động. Nhiều em học sinh được bà Sen truyền dạy đã trưởng thành, trở thành những hạt nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại – Hát Xoan như: cháu Nguyễn Thị Lý, sinh năm 2005 hay cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung, sinh năm 2005 ở khu 5, xã Kim Đức. Trong quá trình truyền dạy, bà Sen luôn nhắc nhở các học sinh của mình rằng: Hát Xoan có hát cửa đình và hát hội. Điều quan trọng khi biểu diễn hát cửa đình phải nghiêm trang, bởi dây là phần hát thờ, nhịp điệu và lời ngắn, không luyến. Còn phần hát hội thì hát tự do với nhiều tiết mục, hát lĩnh xướng, múa hát vui tươi, lại phải dùng lối hát đối đáp, hát luyến láy giao duyên. Nhưng dù là hát cửa đình hay hát hội, một trong những nguyên tắc cơ bản của múa hát Xoan là người biểu diễn phải luôn hướng lên bàn thờ không được quay lưng lại bàn thờ vì là nơi tâm linh. Bà Sen không chỉ nức tiếng với giọng hát trong trẻo, mà còn là người có nhịp điệu rất chắc, nắm vững kỹ thuật đánh trống, gõ phách trong trình diễn Hát Xoan.

          Năm 2009, khi di sản hát Xoan Phú Thọ được Nhà nước quan tâm và bảo tồn, đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, bà Sen đã cùng với các thành viên khác của phường Xoan Phù Đức tích cực tham gia biểu diễn phục vụ cho các Hội thảo về di sản hát Xoan tại đình Lâu Thượng (xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì), tại Bảo tàng dân tộc học Hà Nội, trong các chương trình Đêm xoan ngoại giao, Chương trình làng Việt… Bà Sen chia sẻ: Di sản hát xoan là cả một kho tàng di sản phong phú, một kho báu về tri thức của cha ông, là cầu nối giữa quá khứ và hôm nay. Nếu ai đã từng nghe Xoan chắc chắn sẽ cảm nhận sâu sắc giá trị dân tộc và văn hóa Việt, mà nguyện làm hết mình để lưu giữ di sản này sống mãi trong lòng mọi người dân đất Tổ nói riêng và mỗi người dân Việt Nam ta nói chung.

Thùy Dung