Cô Đào của phường Xoan An Thái
Cập nhật ngày: 05/10/2018 18:35
“Tôi được học hát Xoan từ nhỏ, bắt đầu trình diễn Xoan với vai trò là đào Xoan hát múa trong nhiều năm. Đây là nền tảng giúp Tôi nắm vững, trình diễn thuần thục những kỹ năng trình diễn của Đào, Kép để có thể truyền dạy cho các học trò của mình” – đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Biên - cô Đào mê Xoan nhất nhì của phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì).

Sinh ra và lớn lên ở đất Xoan, trong gia đình nhiều đời hát Xoan, “máu” Xoan như ngấm vào máu thịt bà Nguyễn Thị Biên (khu 7, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) lúc nào không hay. Bà Biên kể: “Ngay từ nhỏ Tôi đã được nghe Hát Xoan và cũng được theo các cụ đi hát Xoan tại đình làng An Thái, miếu Cấm. Nhưng phải đến năm 24 tuổi, Tôi mới chính thức được học hát Xoan một cách bài bản từ các cụ trong làng và trực tiếp là cụ Nguyễn Tất Thắng - trùm phường Xoan An Thái lúc bấy giờ. Xoan hay lắm, mỗi giai điệu, ca từ đều rất gần gũi và có ý nghĩa riêng, “tay bưng chén muối... ối a đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn... ối a xin đừng... xin đừng quên nhau”.

Tham gia trình diễn Hát Xoan bắt đầu từ năm 1996, bà Nguyễn Thị Biên đã cùng với phường Xoan An Thái đi trình diễn khắp trong và ngoài địa phương, từ đình An Thái, miếu Cấm trong dịp lễ hội hàng năm của làng đến Đồng Mô (Hà Nội), Yên Bái… phục vụ công tác giới thiệu, quảng bá hát Xoan lên khu vực và thế giới. Bà Biên chia sẻ: “Muốn được chọn làm Đào Xoan trình diễn trước cửa đình không phải đơn giản. Không chỉ phải thuần thục hết các điệu múa, lời hát mà còn phải luôn giữ dung nhan nghiêm trang, tươi tỉnh. Với Tôi, dù trong cuộc sống có điều gì trăn trở thì khi đã bước lên trình diễn Xoan, hòa vào lời hát, điệu múa thì lúc đó chỉ có Xoan với Xoan, chỉ có niềm đam mê mà thôi”.

22 năm thực hành trình diễn Hát Xoan, bà Biên nắm vững và trình diễn thuần thục 28 bài Xoan cổ; tham gia truyền dạy cho 68 học trò từ con cháu trong dòng họ và ở các khu dân cư. Hiện bà Biên cùng với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái thường xuyên đi truyền dạy tại các lớp cộng đồng, tập huấn, các trường học trong tỉnh, thành phố Việt Trì và các huyện. Theo bà Biên: “Để múa, hát thuần thục, một đào hát phải mất thời gian khoảng 2 tháng. Để trình diễn nhập tâm nhập hồn được thì phải mất 4 tháng. Khi tôi truyền dạy cho một người để trở thành đào hát thì phải dạy lời, thuộc lời mới dạy múa tay rồi sau mới kết hợp đến chân. Còn Kép hát là người đưa cách, dù có thuộc lời đến đâu cũng phải cầm sách để tránh nhầm lẫn câu từ. Trong đưa cách có giáo cách, dẫn cách và kết cách. Thời gian truyền dạy cho kép hát thì phải mất 3 tháng mới trình diễn thuần thục được”.

Ngoài các hoạt động truyền dạy, bà Nguyễn Thị Biên còn tích cực đóng góp trí tuệ, công sức trong việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác kiểm kê Hát Xoan tại xã, ủng hộ tu bổ đình An Thái và Tổ Miếu Hùng Vương của địa phương nhằm xây dựng và bảo tồn không gian văn hóa trình diễn của hát Xoan…

Với những đóng góp của mình, Bà Nguyễn Thị Biên hiện là một trong những Đào Xoan được UBND thành phố đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hát Xoan./.

Thùy Dung