Nguồn động viên mạnh mẽ
Cập nhật ngày: 24/07/2018 13:09
Đã 60 năm trôi qua nhưng không khí sôi nổi, hăng say lao động sản xuất trên những cánh đồng và niềm vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu nhờ thành tích là địa phương làm được nhiều phân bón nhất tỉnh chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của thế hệ cha ông phường Vân Phú, thành phố Việt Trì.

Qua vài lần hỏi thăm, chúng tôi cũng đến được nhà cụ Cao Mạnh Hùng, nguyên là Chủ tịch UBND xã và xã đội trưởng, người trực tiếp lãnh đạo, tham gia sản xuất nông nghiệp, làm phân bón trên địa bàn vào cuối những năm 1958. Chúng tôi nhận được sự đón tiếp hồn hậu, nhiệt tình của vị “thủ lĩnh” địa phương nhiều năm về trước. Dù đã bước sang tuổi thượng thượng thọ, nhưng cụ Hùng vẫn minh mẫn, giọng nói lưu loát, hào sàng khi kể lại cho chúng tôi nghe không khí hăng say lao động thời bấy giờ. “Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, tôi ở trong số những chiến sỹ lui về hậu phương làm nhiệm vụ sản xuất, xóa giặc đói, cung cấp lương thực cho chiến trường miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1958, xã Vân Phú, huyện Hạc Trì (nay là phường Vân Phú, thành phố Việt Trì) được phân công xây dựng mô hình hợp tác xã thí điểm, lấy tên là Tiền Phong, ban đầu có 26 hộ xã viên tham gia. Thời bấy giờ, sản xuất nông nghiệp chưa được thuận lợi như ngày nay bởi lao động còn thô sơ, canh tác dựa trên kinh nghiệm là chính. Vì thế, chúng tôi lấy nền tảng là học tập, kế thừa truyền thống, kinh nghiệm làm ruộng lâu đời của cha ông. Ông cha ta có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nên phân bón là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, sản lượng lúa. Chúng tôi phát động nhiều phong trào làm phân xanh để nâng cao sản lượng lúa, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, từ thiếu nhi, thanh niên, đến xã viên hợp tác xã, với những khẩu hiệu “đê phân, biển lúa”, “sạch làng, tốt ruộng”, “đi không, về có...”.

Giai đoạn khó khăn đó, toàn xã Vân Phú giống như một phân xưởng. Cứ  “nguyên liệu” nào có thể làm thành phân bón là bà con xã viên sử dụng ủ phân xanh, bao gồm cành, lá các loại cây, rong rêu, bèo… vớt dưới ruộng, sau đó cắt ngắn, trộn cùng nhau và ủ đến khi mục nát là có thể đem bón ruộng. Không chỉ ủ phân xanh, người dân Vân Phú còn sáng tạo làm phân hun hay đất hun. Cách làm loại phân này không khó mà hiệu quả lại cao nên được các hộ xã viên và nhân dân lựa chọn. Rẫy lớp đất mỏng có cỏ, lật úp xuống, cứ thế chồng lên nhau, lấy lá, củi khô, trấu phủ lên trên rồi hun. Đất hun có màu nâu đen sậm, tăng tính hấp thụ nhiệt, tăng độ xốp, giảm độ dẻo; khi bón ruộng có tác dụng tăng khả năng hấp thụ của đất và diệt các loại nấm mốc gây bệnh cho cây trồng.

Nhờ hiệu quả của phân bón, cùng với sự cần cù, chịu khó của người dân địa phương đã góp phần làm nên thắng lợi vụ mùa năm 1958, cùng với nhân dân toàn tỉnh đạt được thành công trong thực hiện kế hoạch 3 năm (1958-1960) về  “Cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội”. Tự hào hơn, vào ngày 20-7-1958, về dự “Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ” và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ từ tỉnh đến xã, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Huy hiệu của Người cho đại biểu xã Vân Phú (huyện Hạc Trì), là xã làm được nhiều phân bón nhất tỉnh. Tình cảm Bác dành cho đồng chí, đồng bào trong tỉnh nói chung và nhân dân Vân Phú nói riêng là nguồn động viên mạnh mẽ để Đảng bộ và nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Ghi nhớ lời dạy của Bác, Đảng ủy, chính quyền và các thế hệ người dân Vân Phú luôn cố gắng học tập, lao động, rèn luyện thể lực, tu luyện đạo đức để xây dựng quê hương đất nước ngày một phát triển giàu đẹp. Năm 2017, Đảng ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực  kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị bằng kế hoạch, các chương trình hành động. Đồng thời triển khai nhiệm vụ tới các ngành, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ một cách đồng bộ, tích cực, đạt và vượt cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra. Đầu năm 2018, kinh tế - xã hội trên địa bàn ổn định, sản xuất nông nghiệp được giữ vững; kinh doanh dịch vụ thương mại phát triển; thu ngân sách đạt khá. Văn hóa xã hội phát triển toàn diện, quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

PTO