Trại văn hóa thành phố Việt Trì năm nay được mô phỏng theo lối kiến trúc Kinh đô Văn Lang xưa, cổng vào, mái trại đều được uốn cong như những cánh chim Hạc, kết hợp cách bài trí hiện đại tạo nên không gian ấm cúng, mang hơi thở của thành phố công nghiệp đầy sức trẻ nhưng vẫn đậm đà giá trị văn hóa bản địa của thành phố lễ hội. Khuôn viên trại được thiết kế theo nhiều hạng mục. Ông Phạm Quang Tấn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và du lịch thành phố Việt Trì cho biết: “Trại văn hóa thành phố được thiết kế theo ý tưởng “Thành phố với hội nhập và phát triển” bao gồm trại chính, gian trưng bày các sản vật đặc trưng, sân khấu biểu diễn và sân trại bao quanh là những tấm pano quảng bá về thành phố Việt Trì sau 55 năm thành lập và phát triển”. Được biết, tại trại văn hóa, cùng với việc giới thiệu những sản phẩm qua gian trưng bày về phát triển kinh tế - xã hội địa phương như bánh chưng, bánh giầy của làng Chu Mộ - Bạch Hạc; rau củ sạch Tân Đức; các sản phẩm nông sản như: Mì, miến, bánh tráng của Hùng Lô, lúa nếp cái hoa vàng Minh Nông; bánh củ mài, chè lam Hy Cương; rượu Đồng Tiến, chè Hà Trang thì tại Trại văn hóa thành phố còn có gian trưng bày, quảng bá hình ảnh Du lịch “Về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” nhằm giới thiệu đến du khách các tua, điểm du lịch của thành phố. Bên cạnh đó, trại còn tổ chức biểu diễn các hoạt động văn hóa dân gian như Hát Xoan; bịt mắt đánh trống, đi cầu Kiều, giã bánh giầy, gói bánh chưng… chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm và yêu thích của đông đảo du khách thập phương.
Đại diện cho các huyện vùng “đất giữa” như Lâm Thao, Tam Nông, Phù Ninh…, trại Văn hóa huyện Cẩm Khê năm 2018 được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc nhà gỗ cổ. Một trại chính được thiết kế bốn gian. Cổng trại và hàng rào thiết kế cột gỗ, mái ngói, hàng rào tường xây, được trang trí bằng tranh gốm. Tại gian trưng bày, các nghệ nhân sẽ giới thiệu quy trình sản xuất bánh chưng xanh Cát Trù, nón lá Sai Nga và nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống đặc trưng của địa phương như đồ đan lát, thủ công mỹ nghệ Yên Tập, mây tre đan Tùng Khê. Trong khuôn khổ của Hội trại nhiều trò chơi dân gian cũng sẽ được tổ chức: Bịt mắt đập niêu, đi cầu cụt, bắt trạch trong chum…
Đại diện cho các huyện miền núi như: Yên Lập, Thanh Sơn, trại văn hóa huyện Tân Sơn được thiết kế theo mô hình nhà sàn truyền thống của người Mường, qua đó mô phỏng đời sống sinh hoạt và trưng bày các công cụ, sản phẩm lao động của đồng bào các dân tộc trong huyện. Đối với các hoạt động văn hóa, biểu diễn văn nghệ, các nghệ nhân, diễn viên của huyện sẽ trình diễn các loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng của các dân tộc trong huyện như: Tái hiện lại lễ rước Vía lúa của người Mường xã Thu Cúc, tục cưới hỏi của người Mông ở bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, lễ cấp sắc (Lập tĩnh) của người Dao và các diễn xướng đâm đuống, chạm ống, cồng chiêng của người Mường. Trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, tại trại văn hóa huyện Tân Sơn sẽ trưng bày các vật dụng, nông cụ gắn liền với đời sống lao động, sản xuất của đồng bào các dân tộc trong huyện; đồng thời tổ chức mở gian hàng giới thiệu và quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, những sản vật đặc trưng của huyện như: Chè san tuyết, chuối phấn vàng, khoai tầng, gà nhiều cựa Xuân Sơn, thịt chua, rượu ngô, thịt lợn sấy, các loại cây thuốc, rễ cây uống nước, sôi ngũ sắc…
Hội trại văn hóa Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất - 2018 được tổ chức tiếp tục khẳng định nỗ lực cố gắng của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ, nhất là Hát Xoan ở Phú Thọ và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Qua đó, lưu giữ, quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thể hiện sự tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống sung túc như mơ ước bao đời của dân tộc ta.