Ra đời từ thời Vua Hùng dựng nước, Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần và thường được tổ chức vào mùa xuân để đón chào năm mới. Hát Xoan có 3 hình thức: Hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên. Hiện nay cả bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét đều nằm ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu thuộc thành phố Việt Trì.
Sau khi Hát Xoan Phú Thọ được Unesco ghi danh là DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2011, việc khôi phục và duy trì thường xuyên hoạt động của bốn phường Xoan gốc được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp cộng đồng nhận diện, bảo tồn phát huy giá trị di sản đã được triển khai như: Khôi phục miếu Lãi Lèn; hỗ trợ, trang phục, đạo cụ biểu diễn, duy trì kinh phí hoạt động, tổ chức các lớp truyền dạy Hát Xoan; giao lưu giữa các phường Xoan; quảng bá Hát Xoan trong dịp lễ hội Đền Hùng, trên các phương tiện truyền thông Trung ương và địa phương; đưa chương trình học Hát Xoan vào trường phổ thông các cấp... Nhờ đó, đã làm cho nhận thức của cộng đồng về Hát Xoan dần được nâng cao, không gian Hát Xoan được mở rộng... Với những nỗ lực trên, Phú Thọ đã thành công trong việc đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thờ cúng Hùng Vương là một nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm mà trung tâm là núi Nghĩa Lĩnh và lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ. Từ trung tâm thờ tự đầu tiên này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa, có sức sống lâu bền từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra nước ngoài. Đất nước có lúc thịnh lúc suy, có lúc bị giặc ngoại xâm thống trị nhưng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được các thế hệ duy trì đến tận ngày nay và sẽ còn mãi đến muôn đời sau. Cộng đồng người Việt nhận rõ sự thờ phụng Hùng Vương là DSVH của mình cần được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ sau. Có thể coi đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập, tự chủ lâu dài và ước mơ về sự phồn vinh của Quốc gia dân tộc. Ngày nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đỉnh điểm của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân. Khẳng định vị thế vững chắc trong đời sống xã hội đương đại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ hoàn toàn xứng đáng để được Unesco vinh danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012.
Hát Ca Trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2009. Nằm trong 17 tỉnh, thành vùng lan tỏa của Ca Trù, Phú Thọ sớm được tiếp thu và sử dụng lối Hát Ca Trù trong các dịp lễ hội, đình đám, vui chơi giải trí song hành với các làn điệu Hát Xoan, Hát Ghẹo vùng trung du Đất Tổ. Do nhiều nguyên nhân, việc thực hành, truyền dạy Hát Ca Trù ở một số Câu lạc bộ, nhóm hát tuy không hoạt động thường xuyên, sôi nổi, rộng khắp như trước đó, nhưng Hát Ca Trù vẫn được duy trì, thực hành ở thôn Trinh Nữ, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh; xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì và một số ca nương, kép đàn là cán bộ, diễn viên thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy không duy trì hoạt động thường xuyên, nhưng một số ca nương, kép đàn là cán bộ Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim, Đoàn nghệ thuật Chèo, Trường TC Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ca nương của xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động trình diễn, thực hành di sản tại một số sự kiện văn hóa của địa phương và tham gia trình diễn Ca Trù tại một số địa phương khác. Để mở rộng thực hành di sản, thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh có các biện pháp củng cố các Câu lạc bộ Hát Ca Trù, nhóm Hát Ca Trù ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Xác định DSVH là nguồn lực tiềm năng của cội nguồn ý chí, là điểm tựa của sáng tạo và nền tảng của sự phát triển trong mọi lĩnh vực cả kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội, nhiều năm qua, tỉnh ta đã có những chủ trương, chính sách, biện pháp chỉ đạo cụ thể, tích cực và hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững. Không chỉ là ba DSVH phi vật thể của nhân loại, kho tàng các DSVH trên Đất Tổ Vua Hùng đã và đang trở thành niềm tin, chốn về, là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế./.