Việt Trì: Rộn ràng các lễ hội đầu năm
Cập nhật ngày: 17/02/2018 10:40
Lễ hội là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta có hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện lòng tri ân của nhân dân với truyền thống chung của dân tộc, ôn lại lịch sử và ghi nhận công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, trên khắp các di tích lịch sử thời Hùng Vương của thành phố Việt Trì lại rộn ràng không khí chuẩn bị tổ chức các lễ hội đầu năm.

Những ngày cuối năm Mậu Tuất này, tại Đàn Tịch điền – di tích gắn liền với lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”, nhân dân địa phương đang tiến hành làm đất, gieo mạ, chuẩn bị cho nội dung thực hành diễn xướng cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Bên cạnh đó, đội tế lễ của địa phương gồm 24 cụ ông cũng đang gấp rút tổ chức tập luyện. Sau 17 năm gián đoạn, năm nay, lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” tại phường Minh Nông sẽ được UBND thành phố Việt Trì thực nghiệm phục dựng lại. Lễ hội sẽ được tổ chức trong 2 ngày (mùng 1 và mùng 2/3/2018), tức ngày 14, 15 tháng Giêng năm Mậu Tuất.

Ông Nguyễn Quang Chung - Phó Chủ tịch UBND phường Minh Nông cho biết: Lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương. Lễ hội năm nay sẽ có sự tham gia của trên 170 người. Việc khôi phục lại lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” tại phường Minh Nông không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; mà còn có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Tại Đền Vân Luông nằm ở khu 7, phường Vân Phú, nhân dân địa phương cũng đang náo nức chuẩn bị Lễ hội cướp bông, ném chài được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng Giêng. Đây là một diễn xướng văn hoá dân gian nhằm diễn lại cảnh Vua tôi cùng quây quần ăn Tết, chúc Tết đầu xuân với dân làng và cảnh Vua Hùng cùng dân làng đưa tiễn Sơn Tinh về núi Tản. Ông Hoàng Văn Phúng, thủ từ Đền Vân Luông cho biết: Lâu nay, dân làng vẫn gìn giữ các hoạt động lễ hội đúng nghi lễ truyền thống, mỗi năm chuẩn bị một con lợn rừng, đen tuyền để thịt, lấy thủ và chân giò tế lễ. Năm nay, phần hội các tục cướp bông, ném chài, thi văn nghệ, hát xoan tiếp tục được duy trì… Lễ hội cũng là dịp để dân làng dù công tác gần xa có dịp gặp nhau, chúc mừng năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Năm nay, không gian lễ hội được thành phố xây dựng tại 3 khu vực chính: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm thành phố Việt Trì và Bến Gót- Bạch Hạc. Bên cạnh đó là hoạt động lễ hội các khu vực, xã phường được gắn liền với các trung tâm công cộng, các điểm lễ hội tại khu dân cư. Từ tháng giêng đến tháng 3 năm Mậu Tuất, ngoài các lễ hội truyền thống lớn do thành phố chủ trì tổ chức như: các hoạt động tham gia lễ hội Đền Hùng, lễ hội bơi chải truyền thống trên Sông Lô còn có các lễ hội mới như Lễ hội văn hóa dân gian đường phố… Tại các địa phương phường xã trên địa bàn sẽ diễn ra 33 lễ hội truyền thống. Điển hình như: lễ hội cướp bông ném chài đền Vân Luông, lễ hội khao quân đình làng thượng xã Chu Hóa, lễ hội Thánh hóa đền Phúc Long, lễ hội Tam Giang – phường Bạch Hạc, lễ hội đình làng Hương Trầm – phường Dữu Lâu, Lễ hội đình làng Kim Đái xã Kim Đức…Nhìn vào không gian văn hóa lễ hội có thể nhận thấy rõ nét sự phục hồi tích cực của các nghi lễ, trò chơi, trò diễn dân gian cùng những giá trị văn hóa phi vật thể có tác động tích cực đến đời sống sinh hoạt xã hội cộng đồng.

Đánh giá về việc tổ chức các lễ hội truyền thống của địa phương, bà Nguyễn Thu Hiền – trưởng phòng VHTT thành phố cho biết: hoạt động lễ hội những năm gần đây diễn ra vui tươi, lành mạnh; ý thức của nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, về đảm bảo vệ sinh môi trường đó có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với trước đây. Chất lượng phục vụ du khách từng bước được chú trọng. Năm nay, Phòng cũng đã chủ động tham mưu với thành phố chỉ đạo các địa phương gắn lễ hội với phát triển du lịch, đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện để hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, hiệu quả.  

Mùa xuân – mùa của lễ hội, thông qua các hoạt động tại lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy, góp phần duy trì thực hành, truyền dạy và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội được duy trì tổ chức tốt cũng sẽ là điều kiện cho công tác bảo tồn di tích, đồng thời phát huy được vai trò, giá trị của di tích trong đời sống nhân dân địa phương.

                                                                            

Thu Phương