Lấy nước thiêng: Phong tục độc đáo ở ngã ba sông Bạch Hạc
Cập nhật ngày: 16/02/2018 13:21
Tương truyền của dân gian thì ngã ba sông Bạch Hạc là sự gặp gỡ của 3 con sông, nơi hội tụ của linh khí sông núi, tạo thành nguồn nước liên kết âm – dương, có thể “tẩy rửa bụi trần” nên không biết tự bao giờ, nước sông ở ngã ba Bạch Hạc đã được nhân dân tin dùng vào những việc trọng đại như: Thờ cúng, làm móng xây nhà, hàn thổ ngày tân gia… kể cả việc tắm rửa cho người chết khi khâm liệm, cải táng mồ mả . Cứ mỗi dịp cuối năm hay chuẩn bị tới ngày Giỗ Tổ 10.3 âm lịch, dân vạn chài xóm Đoàn Kết, phường Bạch Hạc, TP.Việt Trì lại hối hả, bận rộn phục vụ những đoàn khách đến nhờ đưa đi lấy nước thiêng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – phó bí thư Đảng ủy phường giới thiệu về phong tục độc đáo của địa phương: “Theo các cụ bô lão trong làng Bạch Hạc xưa kể lại, từ hồi Lạc Long Quân lập nước, trong một lần đi thị sát vùng hợp lưu của 3 con sông, nhìn thấy cảnh trời nước linh thiêng như ngưng tụ nơi này, thỉnh thoảng lại có những đàn chim trắng lớn bay lên, vô cùng thanh bình yên ấm. Người đã gọi vùng này là Bạch Hạc, và cái tên cổ xưa đó được lưu truyền cho tận tới ngày nay…

Ông Hà cũng cho biết thêm, xưa kia theo tục lệ, dân làng ở vùng Bạch Hạc chỉ lấy nước ở ngã ba sông mỗi năm 2 lần vào ngày 25.9 (là ngày hội của đền Tam Giang), và mùng 10.3 âm lịch vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Tục lấy nước theo nghi lễ truyền thống thì người dân sẽ tổ chức bơi chải ra đó, đội lấy nước phải có đồng nam, đồng nữ và làm lễ tế Thổ công, Hà Bá, xin phép được xin nước về dùng vào việc lớn của làng.

Bây giờ tiếng lành về nước thiêng vang xa, và suy nghĩ của đồng bào ta đã hiện đại nhưng vẫn rất coi trọng đời sống tâm linh, nên nhiều gia đình có việc lớn, như dựng nhà, xây mồ mả hay cúng lễ... đã tìm tới ngã ba sông xin nước thiêng về làm lễ, mong được phù hộ độ trì.

Điểm khởi đầu của cuộc hành trình lấy nước là từ phía trước đền Tam Giang, để đến được nơi 3 con sông Hồng, sông Đà, sông Lô hòa quyện vào nhau phải ngược dòng chừng 4 - 5 cây số nữa. Đây chính là điểm “giang sơn quy về một mối” của vùng đất Tổ. Nước thiêng ở đây có đủ vị ngọt - mặn, hương rừng, kẽ đá, mạch đất từ muôn phương góp vào tạo nên thế đất “tụ nhân - tụ thủy”. Và tất nhiên muốn lấy được “nước linh thiêng” thì phải chịu khó đi vào lúc nửa đêm, nhất là vào thời khắc chuyển giao của ngày cũ và ngày mới.

Là thủ từ đền Tam Giang, cụ Trần Văn Thân cho biết: Người đến xin nước thiêng tại ngã ba sông ngày một đông. Ngoài người dân địa phương còn có người dân ở các tỉnh khác như: Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội… thậm chí còn có người ở tận Sài Gòn. Lý do lấy nước thì mỗi người có một câu chuyện, nhưng tựu chung lại họ cho rằng nước nơi 3 con sông hợp nhất có thể kết nối âm dương, làm cho linh hồn siêu thoát và cũng là dòng nước tinh khiết của đất trời tụ lại. Mỗi lần du khách thập phương đến đền Tam Giang ngỏ ý muốn xin một chút nước thiêng mang về. Việc thành tâm thế nào thì tùy vào thí chủ có khi là 10 nghìn hoặc 20 nghìn. Sau khi lấy được nước thiêng phải trở về đền Tam Giang lễ tạ thì nước thiêng mang về mới linh ứng.

Tuy nhiên cũng theo cụ Thân: “Thiêng hay không là ở lòng người, sống ở đời phải có nhân có nghĩa, phải sống sao cho có ích cho xã hội, giữ được tấm lòng trong như nước kia, chứ đừng để đến lúc nhắm mắt, xuôi tay mới mong gột rửa thì dù là nước thiêng cũng chẳng làm được”.

Từ khi ngày càng có nhiều người từ các nơi đổ xô về lấy nước thiêng, đời sống người dân ở đây khấm khá rõ rệt. Trung bình mỗi chuyến đò đưa khách ra lấy nước thu về 4-5 trăm nghìn đồng. Vì vậy, nhiều gia đình ở phường Bạch Hạc trước đây sống chủ yếu bằng nghề chài lưới hoặc buôn bán nhỏ, còn bây giờ nghề chính lại là chở khách ra ngã ba sông lấy nước thiêng và làm các dịch vụ khác trên bờ. Dọc theo hai bên đường dẫn vào ngã ba Bạch Hạc được bày bán đủ các loại can nhựa. Giá mỗi chiếc cũng đắt hơn gấp rưỡi hoặc thậm chí gấp đôi bình thường. Thế nhưng, hình như do việc lấy nước thiêng thuộc về tâm linh nên không ai mặc cả, kỳ kèo, chủ quán nói bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu.

Để gìn giữ, tránh nguy cơ làm biến tướng một phong tục đẹp trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, thiết nghĩ cần đưa vào quản lý những dịch vụ liên quan đến phong tục "lấy nước cầu may" ở ngã ba Bạch Hạc. Vì không được hướng dẫn, thông tin; không được quản lý nên dịch vụ tự phát này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đường thủy…

Tục lấy nước từ ngã ba sông có ý nghĩa ban đầu chỉ để cầu may nhưng theo tín ngưỡng của người dân địa phương, đến nay đã trở thành phong tục độc đáo, chỉ có ở ngã ba sông Bạch Hạc. Dù ra đời tự phát và hình thành do nhu cầu của người dân nhưng có thể khẳng định đây là một phong tục đẹp và còn ẩn chứa nhiều điều linh thiêng huyền thoại trên vùng đất Việt Trì - kinh đô Văn Lang của các Vua Hùng.

                                                                      

                                                                                 

Thu Phương