Về nơi truyền thuyết bánh chưng
Cập nhật ngày: 16/02/2018 13:23
Theo phong tục của người dân Việt Nam, ngày Tết cổ truyền, mâm cỗ nhà nào cũng phải có cặp bánh chưng xanh thắp hương tổ tiên. Bánh chưng là món ăn đặc trưng dân tộc Việt những ngày đầu năm mới. Làng Xốm - Xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì được coi là cái nôi của nghề gói bánh chưng dâng Vua Hùng vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Mỗi ngày, người dân nơi đây đang cần mẫn duy trì để bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống của cha ông; gìn giữ nét tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Bánh chưng trong truyền thuyết

Trong truyền thuyết: ngay sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng muốn tìm một vị hoàng tử xứng đáng để truyền ngôi. Vào dịp đầu xuân, vua cho mở hội và bảo các con rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho “. Các người con của vua Hùng đã đua nhau làm ra những món lạ từ những nguyên liệu là sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi. Duy chỉ có Lang Liêu là hoàng tử thứ 18 không biết nên chọn món nào để dâng cha. Một đêm, Lang Liêu nằm mơ có vị thần đến bảo:« Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân… nếu lấy gạo nếp gói làm hình tròn để tượng trưng cho trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng trưng cho đất, ở trong làm nhân cho ngon; bắt chước hình dạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý nói ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được » (Trích Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp).

Làm theo lời thần dạy, khi dâng lên vua, nhà Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu. Món bánh chưng và bánh dầy có nguồn gốc chính từ đây. Cái giỏi và cái tâm của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu dân dã gắn bó với cuộc sống hàng ngày của dân như: lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Chính vì vậy bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người.

Theo quan điểm của văn hóa thời bấy giờ: Trời tròn đất vuông. Bánh dầy tượng trưng cho Trời, cho cha, cho rồng, cho sức mạnh… thì bánh chưng tượng trưng cho đất, cho mẹ, cho Âu Cơ. Bánh chưng được gói năm ba lớp lá như lòng người mẹ bao bọc lấy người con. Biểu tượng cho anh chị em một nhà đùm bọc lấy nhau, vì cùng một mẹ sinh ra như trăm con nở ra từ một bọc trứng. Bên cạnh đó, bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ, chính vì thế mà phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên cha mẹ cũng từ đây mà có.

Tự hào phát triển nghề truyền thống

Làng nghề bánh chưng Làng Xốm – Hùng Lô hiện có gần 200 hộ làm nghề, trong đó có 48 hộ trực tiếp sản xuất bánh chưng, bánh dày (chiếm 25% tổng số hộ) và 110 lao động tham gia làng nghề, (chiếm 44% tổng số lao động của làng). Bánh chưng Làng Xốm có tiếng là thơm ngon do được cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Theo cụ Nguyễn Thị Lâm – hơn 80 tuổi ở làng Xốm, người có kinh nghiệm lâu năm thì muốn cho bánh ngon, việc chọn số lượng lá phải xem thời tiết. Nếu thời tiết thuận, lạnh thì chỉ cần 6 lá. Nếu trời nồm hoặc nóng phải tăng nhiều lá thì bánh mới bảo quản được lâu. Gạo chỉ cần vo sạch trước 1 giờ chứ không ngâm qua đêm. Khi luộc bánh, cứ sau 1 giờ lại pha thêm một ít nước lã vào nồi đang sôi thì bánh mới rền, dẻo.

Đối với người dân xã Hùng lô, làm bánh chưng không chỉ là nghề để mưu sinh cuộc sống mà là cả một niềm tự hào về phát triển nghề truyền thống của cha ông, là vinh dự đại diện cho con cháu mọi miền đất nước dâng lễ vật cúng các Vua Hùng hàng năm. Anh Nguyễn Văn Ninh là một trong những gia đình gói bánh chưng truyền thống lâu đời nhất ở làng và đã có 2 năm được chọn làm bánh chưng khổng lồ dâng Vua Hùng. Anh tự hào chia sẻ: năm thứ nhất gia đình thực hiện làm 10.000 chiếc, năm thứ  hai làm 18.000 chiếc bánh chưng để xếp thành chiếc bánh chưng khổng lồ. Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 30 năm làm bánh của anh.

Mặc dù mới chỉ hơn 30 tuổi đời nhưng đã có thâm niên gói bánh chưng trên 20 năm, anh Nguyễn Văn Tư dù bận rộn với công việc của một cán bộ xã nhưng anh vẫn là trụ cột trong công việc làm bánh chưng của gia đình. Anh tâm sự: Tháng 3/2017  làng nghề bánh chưng Hùng Lô chính thức được tỉnh cộng nhận. Đây cũng là động lực lớn để gia đình anh và các hộ dân trong xã tiếp tục duy trì nghề truyền thống.

Những ngày giáp Tết cổ truyền 2018 này, Hùng Lô lại nhộn nhịp hơn bởi không khí tấp nập của khách đến đặt hàng. Số lượng bánh tại các gia đình tăng lên gấp 2 đến 3 lần mà không đủ cung cấp. Nếu như ngày thường mỗi gia đình trong làng nghề chỉ gói từ 40 đến 60kg gạo để bán ở các chợ trên địa bàn thành phố thì ngày Tết số lượng gạo mỗi nhà lên đến 3 hay 4 tạ gạo/ ngày.

Xuân này, người dân xã Hùng Lô còn vui mừng hơn khi được chọn là địa phương làm sản phẩm bánh chưng phục vụ ngành du lịch của tỉnh. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm bánh chưng Hùng Lô được đông đảo người dân trong và ngoài nước biết đến mỗi khi về thăm đất Tổ vua Hùng.

                                                                            

Thu Phương